Hơn 91 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Theo số liệu báo cáo từ các DN, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 8/2019 là 11.699 lao động (4.430 lao động nữ), bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 8/2018 là 13.118 lao động trong đó có 4.698 lao động nữ). Số lượng phân bổ cụ thể ở các thị trường: Nhật Bản: 6.080 lao động (2.623 lao động nữ), Đài Loan: 4.566 lao động (1.598 lao động nữ), Hàn Quốc: 577 lao động (36 lao động nữ), Macao: 116 lao động (65 lao động nữ) Arab Saudi: 101 lao động nữ…
Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 91.663 lao động (30.734 lao động nữ) đạt 76,38% kế hoạch năm 2019. Năm 2019, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 120.000 lao động, trong đó thị trường: Nhật Bản: 45.622 lao động (16.813 lao động nữ), Đài Loan: 36.825 lao động (12.504 lao động nữ), Hàn Quốc: 5.536 lao động (392 lao động nữ), Rumania: 1.103 lao động (41 lao động nữ)…
Thị trường Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất. Nguyên nhân là do, năm 2019, Nhật Bản đã có nhiều chính sách mới, cởi mở với lao động nước ngoài. Những năm trước, Nhật Bản chỉ cấp thị thực làm việc cho những lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật cao như luật sư, bác sĩ hoặc giáo viên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật nới lỏng những quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài. Đây là sự thay đổi lớn trong chính sách việc làm của quốc gia Nhật Bản.
8 tháng đầu năm cũng đánh dấu sự khởi sắc của thị trường châu Âu với các bản ghi nhớ hợp tác đưa lao động đi làm việc tại Đức, Rumani, Bulgaria… Cũng giống như các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc…, châu Âu cũng đa dạng nhiều ngành nghề từ công nghiệp, nông nghiệp, kỹ sư, kỹ thuật viên, hộ lý, y tá…
ĐỨC ANH