.

Sai lầm chết người vì tin theo quan niệm bỏ đói ung thư

Cập nhật: 08:28, 06/09/2019 (GMT+7)

Hiện nay một số quan niệm cho rằng, người mắc bệnh ung thư không nên ăn đường, thịt động vật, sữa vì sẽ khiến cho tế bào ung thư lớn hơn. Hay cho rằng bệnh ung thư không nên phẫu thuật vì sẽ khiến tế bào ung thư di căn nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, đây đều là những quan niệm chưa đầy đủ, thiển cận về bệnh ung thư, sẽ khiến bệnh nhân kiệt quệ, nhanh tử vong.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.


TẾ BÀO UNG THƯ ĂN DINH DƯỠNG?

Trên một trang mạng xã hội, dẫn ra một nghiên cứu từ nước ngoài cho rằng, tế bào ung thư thích ăn các chất dinh dưỡng như đường, muối, sữa, thịt đỏ. Do đó, cần phải “bỏ đói” tế bào ung thư bằng cách nhịn ăn những thực phẩm này. Trang mạng này trích dẫn lời của một chuyên gia từ nước ngoài cho rằng: “Thay vì nuôi dưỡng các tế bào ung thư để chúng trở nên nguy hiểm, sao chúng ta không bỏ đói chúng bằng cách không cung cấp cho chúng những “thức ăn” chúng cần để có thể sinh sôi nảy nở. Đói thì chúng sẽ yếu, yếu thì sẽ không chạy lung tung tấn công bậy bạ nữa”.

Theo bác sĩ Thái Đàm Hạnh, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Bà Rịa, quan niệm không ăn các chất dinh dưỡng nói trên có thể “bỏ đói”, khiến tế bào ung thư chậm phát triển là không có cơ sở khoa học. Thực chất, tế bào ung thư luôn cần những chất dinh dưỡng như các tế bào khác để phát triển. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân ung thư không ăn những chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, thì tế bào ung thư cũng sẽ lấy dinh dưỡng từ cơ thể người bệnh để phát triển, khiến cho cơ thể ngày càng suy yếu, kiệt quệ. Do đó, bệnh nhân ung thư cần ăn uống đầy đủ các nhóm dưỡng chất để vừa cung cấp dinh dưỡng cho tế bào ung thư, vừa cho cơ thể nâng cao sức khỏe và đề kháng. Hơn nữa, bệnh nhân ung thư khi phải trải qua các liệu trình điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị càng cần chế độ dinh dưỡng cao, để bồi bổ cơ thể. Chẳng hạn, những loại thịt đỏ không chỉ chứa hàm lượng protein cao mà còn cung cấp các chất bổ máu cho bệnh nhân ung thư sau liệu trình điều trị nói trên. Ngoài ra, protein là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Đây cũng là nguyên liệu hồi phục lại khối nạc của cơ thể đã mất do tăng quá trình chuyển hóa của cơ thể. Đồng thời giúp tăng cường khả năng ngon miệng cho người bệnh ung thư ăn uống kém. Do đó, việc bệnh nhân nghe theo quan niệm ăn thịt đỏ làm tế bào ung thư phát triển mà từ bỏ loại thực phẩm này thực sự là một sai lầm.

Tuy nhiên, người bệnh ung thư cũng không nên bồi bổ dưỡng chất quá mức, mà phải ăn cân đối các nhóm thực phẩm; đặc biệt cần tăng cường thực phẩm chứa nhiều vitamin, các khoáng chất, uống đủ nước, không ăn mặn và các thực phẩm không tốt cho cơ thể.

PHẪU THUẬT UNG THƯ CÓ LÀM TẾ BÀO LAN NHANH?

Về quan niệm cho rằng không nên phẫu thuật khi bị ung thư vì cho rằng khi đụng dao kéo sẽ khiến tế bào ung thư lan nhanh hơn, bác sĩ Thái Đàm Hạnh chỉ rõ, quan niệm này không hoàn toàn sai, nhưng chưa đầy đủ. Thực tế, nếu áp dụng phẫu thuật thông thường để bóc tách khối u cho bệnh nhân ung thư, sẽ khiến tế bào ung thư theo mạch máu lan ra các bộ phận của cơ thể. Do đó, khi điều trị ung thư bằng phẫu thuật thì bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật thám sát, thăm dò. Nguyên tắc cơ bản là phải lấy khối u ra khỏi cơ thể, nhưng không làm rơi vãi tế bào ung thư. Cụ thể, khi bác sĩ bóc tách khối u, phải kẹp mạch máu trước khi cắt khối u và áp dụng các biện pháp che chắn mô xung quanh để tránh làm tế bào ung thư rơi vãi và nạo hạch xung quanh khối u.

Điều quan trọng là phải thực hiện phẫu thuật đúng chỉ định, đúng loại bướu, đúng giai đoạn và phải là bác sĩ chuyên khoa, mới có thể hạn chế thấp nhất tái phát và di căn của ung thư. Hiện nay, một số ung thư đã có thể điều trị khỏi bằng phương pháp phẫu thuật tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bà Rịa như ung thư đại trực tràng, dạ dày, vú, tuyến giáp.  

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.