Học sinh hưởng ứng "nói không với túi nilon"
Hưởng ứng phong trào “Nói không với túi nilon, rác thải nhựa”, học sinh Trường THPT Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) đã tự làm túi giấy, thay thế túi nilon sử dụng hàng ngày. Những chiếc túi giấy được làm cầu kỳ mang theo thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường”.
Học sinh Trường THPT Phú Mỹ với những chiếc túi giấy ngộ nghĩnh. |
Thầy Lê Trần Anh Tuấn, Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Mỹ cho biết, trong năm học 2018-2019, sau khi phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”, các ĐVTN của trường đề xuất ý tưởng làm, sử dụng túi giấy. Nói đi đôi với làm, Đoàn trường đã trích quỹ, mua giấy tái chế và tổ chức 2 đợt làm túi giấy dành cho HS khối 10, 11, đợt 1 (từ ngày 12 đến 15/11/2018) và đợt 2 (từ ngày 16 đến 25/4/2019) với tổng cộng 500 túi giấy được làm, phát 500 túi đến GV, HS nhà trường.
Đầu năm học, Đoàn trường tổ chức dự án Elive Project 2019 với khẩu hiệu “Think Green-Act Green” (tạm dịch: Nghĩ xanh - Hành động xanh), trong thời gian 1 tuần (từ 20 đến 25/8), 6 nhóm tham gia dự án (mỗi nhóm từ 15-17 thành viên) làm tổng cộng 360 túi giấy. Không chỉ trang trí, làm đẹp túi, các nhóm còn sử dụng điện thoại, tự quay clip giới thiệu về hình ảnh, khẩu hiệu của nhóm và đăng lên Fanpage Đoàn trường. “Các em không chỉ thể hiện ý thức bản thân, mà còn thể hiện sự sáng tạo, tính thẩm mỹ và thông điệp bảo vệ môi trường qua những bức tranh trên túi”, thầy Tuấn nói.
Giờ ra chơi, chúng tôi có dịp cùng với các HS của nhóm “Rùa con mắc cạn” - 1 trong 6 nhóm của dự án - làm những chiếc túi giấy xinh xắn. Túi được làm bằng chất liệu giấy xi măng (giấy Kraft), là một loại giấy tái chế được Đoàn trường nhập từ TP.Hồ Chí Minh. Lê Khánh Huyền (lớp 11A1) cẩn thận xếp nếp của từng mép túi, dùng keo sữa gắn các nếp gấp của túi cho hoàn thiện và phơi túi cho khô. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng độ chắc chắn của những nếp dán, túi được chuyển sang nhóm vẽ trang trí. “Khó nhất là công đoạn gắn keo đáy túi và quai túi. Tụi em phải làm cẩn thận”, Huyền nói. Nhóm sử dụng hình ảnh con rùa nhỏ miệng ngậm túi nilon, bơi giữa chai nhựa. “Rùa và tất cả các loài sinh vật biển đang kêu cứu trước nguy cơ ô nhiễm, đó là thông điệp của chúng em khi làm những chiếc túi này”, Huyền cho biết.
Với nhóm Ever Green, các em chọn hình ảnh về những cánh rừng xanh tốt, trái đất với đôi bàn tay ôm ấp được cách điệu từ 2 chiếc lá xanh… để trang trí cho những chiếc túi giấy của mình. Trần Diệu Thảo Vân (lớp 12N4), thành viên của nhóm chia sẻ: “Từ năm học trước, trường đã tổ chức phong trào làm, sử dụng túi giấy. Phong trào phát động, GV và HS cùng làm rất vui. Em mang túi giấy theo đựng áo khoác, khẩu trang hoặc vài cuốn tập khi đi học phụ đạo, đi mua đồ ở chợ”.
Tỉ mỉ từng nét vẽ, Nguyễn Lam Phương (lớp 11A1) chăm chút hình trái đất, với màu xanh của đại dương, màu xanh lá của những cánh rừng… Phía trên là hình ảnh một số loài thú: chim, voi, cá, thỏ… như càng sắc nét trên nền tím nhạt. “Save the planet” (bảo vệ hành tinh) là thông điệp bức tranh. Phương cho hay, em yêu thích môn hội họa, em cảm thấy vui vì năng khiếu của mình giúp những chiếc túi giấy trở nên sinh động hơn, làm các bạn yêu thích hơn. Trung bình mỗi ngày, Phương có thể vẽ, tô màu từ 4-5 túi).
Ngoài việc sử dụng cho bản thân, số lượng túi giấy làm ra còn được học sinh dành tặng bạn bè, người thân. Thảo Vân cho hay, hàng ngày, khi đi chợ, mẹ em sử dụng làn nhựa đựng rau, thức ăn tươi sống, túi giấy đựng hành, tỏi, đồ khô; còn lúc đi làm, đi chơi, mẹ Vân dùng túi giấy để đựng đồ dùng cá nhân. Em gái Vân cũng được chị hướng dẫn, tự làm một túi giấy, trang trí hình chú mèo máy Doremon, dùng đựng vài cuốn tập mang đi học Tiếng Anh, sử dụng túi giấy đựng giấy kiểm tra, thay vì bao nhựa như trước.
Nếu tính chi phí, mỗi chiếc túi giấy tái chế có giá thành từ 1.000-3.000 đồng (tùy độ lớn của túi), tuy hơi cao so với giá túi nilon nhưng túi có độ bền cao, sử dụng được nhiều lần, có thể đựng đồ với trọng lượng từ 2-2,5kg, lại bảo vệ môi trường, dễ làm. Hiện Trường THPT Phú Mỹ còn phát động HS không sử dụng chai nhựa dùng 1 lần, hộp xốp để hạn chế rác thải. Nhà trường cũng hướng dẫn HS phân loại rác theo nhóm vào các thùng rác khác nhau đặt trong khuôn viên trường.
Không chỉ sử dụng trong trường, các ĐVTN, HS của trường còn phối hợp với Thị Đoàn Phú Mỹ tặng túi giấy cho các đại biểu tại một số cuộc họp; gửi tặng tiểu thương ở các chợ túi giấy, thông qua đó tuyên truyền người bán và khách hàng về việc hạn chế sử dụng túi nilon để bảo vệ môi trường. Thầy Lê Trần Anh Tuấn mong muốn, sắp tới, thông qua sự kết nối của Thị Đoàn, sẽ có một số shop trên địa bàn thị xã “đặt hàng” túi giấy do HS trường làm. Từ đó không chỉ giảm túi nilon khó phân hủy mà còn gây quỹ để Đoàn trường tiếp tục thực hiện dự án “Sống xanh” của mình.
Bài, ảnh: MINH THANH