.

Chủ động phát hiện sớm bệnh nhân lao tiềm ẩn

Cập nhật: 19:19, 24/09/2019 (GMT+7)

Từ đầu tháng 9 đến 21/9, Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí tổ chức đợt khám sàng lọc quy mô trên toàn tỉnh, nhằm phát hiện sớm những trường hợp mắc lao đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Theo Bộ Y tế, đây là một trong những giải pháp chiến lược nhằm thanh toán bệnh lao.

THUẬN LỢI CHO BỆNH NHÂN

Tại Trạm Y tế xã Bưng Riềng, 150 người dân của 3 xã Bông Trang, Bưng Riềng, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) có mặt từ sớm, xếp hàng chờ đến lượt khám sàng lọc bệnh lao. Nhiều người trong số đó đã từng mắc lao ít nhất 1 lần, số còn lại là những người có dấu hiệu mắc bệnh lao, người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân lao, thân nhân người bệnh. Mỗi người dân khi đến khám đều được lấy mẫu xét nghiệm đờm, chụp X-quang phổi, đo chức năng hô hấp miễn phí. Ngoài ra, y, bác sĩ của bệnh viện (BV) còn tư vấn cho người dân các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng.

Tham gia buổi khám sàng lọc, ông S.N.K (SN 1956, xã Bông Trang) cho hay, ông từng mắc bệnh lao cách đây hơn 1 năm và đã được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Xuyên Mộc điều trị khỏi. Thời gian gần đây, ông ho nhiều, ngứa cổ nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bận rộn với việc đồng áng nên ông chưa đi khám. Nhân dịp BV Phổi Phạm Hữu Chí về địa phương khám sàng lọc lao, ông quyết định gác lại công việc để đi khám. Ông K. chia sẻ: “Theo tư vấn của bác sĩ, tôi có thể bị bệnh lao tái phát, tuy nhiên còn phải chờ kết quả xét nghiệm”. Bà T.T.H (SN 1953, xã Bông Trang) cho biết: “Tôi từng mắc lao phổi cách đây hơn 10 năm và đã điều trị khỏi. Tuy nhiên, năm nào tôi cũng lên TTYT huyện để khám xem có bị lao trở lại hay không. Đợt này, bác sĩ về khám ngay tại trạm y tế, tôi không phải vất vả lên TTYT huyện khám như trước”.

Ông Trần Đức Dũng, Trưởng Trạm Y tế xã Bưng Riềng cho hay, để phục vụ cho công tác khám sàng lọc của chương trình phòng chống lao, trạm đã mời, vận động những người từng mắc bệnh lao, người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao, thân nhân người bệnh, những người có triệu chứng lao… đến khám sàng lọc. Sau khi được sàng lọc, ai có bệnh sẽ được chuyển đến TTYT huyện hoặc BV để điều trị. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân sẽ thông báo về trạm y tế địa phương. Khi đó, nhân viên y tế ở trạm sẽ hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc đều đặn, chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp và dặn dò việc tái khám định kỳ. 

Nhân viên y tế đo chức năng hô hấp cho người dân tại buổi khám sàng lọc bệnh lao, phổi tại Trạm Y tế xã Bưng Riềng  (huyện Xuyên Mộc).
Nhân viên y tế đo chức năng hô hấp cho người dân tại buổi khám sàng lọc bệnh lao, phổi tại Trạm Y tế xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

HƠN 4.000 NGƯỜI ĐƯỢC KHÁM SÀNG LỌC

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc BV Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, đối tượng nguy cơ cao dễ bị mắc bệnh lao, lao kháng thuốc là người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...), cần được khám sàng lọc sớm để chẩn đoán bệnh và điều trị. Nhưng phần lớn họ đều có hoàn cảnh khó khăn hoặc vì nhiều lý do nên không chú trọng việc này. BV đã vận động, truyền thông hướng dẫn và tổ chức khám sàng lọc bệnh lao cho những đối tượng này và những người đã từng mắc lao trước đó.

Chương trình khám sàng lọc lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chương trình triển khai từ đầu tháng 9, kéo dài đến ngày 21/9 với mục tiêu khám sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người dân. Các nhóm đối tượng đều được khám, làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lao và được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi lao để kịp thời đi khám. Các bệnh nhân lao được phát hiện qua khám sàng lọc sẽ được thu nhận và điều trị ngay theo hướng dẫn của Chương trình chống Lao quốc gia. Những trường hợp không phát hiện bệnh sẽ được hướng dẫn dự phòng.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Giang, BR-VT nằm trong khu vực có dịch tễ lao cao. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận từ 1.400-1.500 ca lao, trong đó khoảng 800 người mắc lao phổi và con số tử vong do lao hàng năm còn chiếm tỷ lệ cao. Do đó, bệnh lao vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, những năm qua, ngành y tế luôn nỗ lực duy trì tốt mạng lưới phòng chống lao ở cộng đồng, giúp công tác phát hiện và điều trị lao trong cộng đồng đạt những mục tiêu của chương trình chống lao và hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030.

Việc tổ chức khám sàng lọc là một trong những giải pháp quan trọng đang được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao. Chương trình này có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng. “Trước đây, chúng ta chỉ phát hiện bệnh lao ở thế thụ động, “chờ” bệnh nhân đến các phòng khám lao. Hiện nay, việc tổ chức các đợt khám sàng lọc giúp ngành y tế chủ động phát hiện bệnh nhân bệnh lao; đặc biệt là những bệnh nhân mới chớm lao. Những người này mới chỉ có những tổn thương mờ nhạt thể hiện qua phim chụp X-quang phổi mà qua xét nghiệm đàm khó phát hiện ra, nhưng nếu để lâu vi khuẩn lao sẽ phát triển thành hang ổ trong phổi bệnh nhân, thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng còn lớn hơn”, bác sĩ Giang cho biết thêm.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 
.
.
.