Vi phẫu phát triển vượt bậc
Ứng dụng vi phẫu thuật nối các phần cơ thể đứt rời, điều trị các tổn thương đứt mạch máu, dây thần kinh hoặc chuyển ghép thần kinh, chuyển vạt tự do để điều trị những khuyết hổng ở chi thể là một trong những thành công của Khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH), Bệnh viện (BV) Bà Rịa. Nhờ vậy, hàng trăm bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng mỗi năm được cấp cứu phục hồi chức năng vận động tại bệnh viện.
Một ca vi phẫu nối liền phần đứt rời ở đùi của bệnh nhân tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa. |
Vi phẫu thuật, nối ghép mạch máu, thần kinh, chi thể đứt rời được đánh giá là một kỹ thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có đôi tay thật khéo léo. Bên cạnh đó, họ còn phải am hiểu về quá trình đông máu, huyết động học, vi hình thái học của mạch máu nhỏ, các nhánh mạch tận cùng của mô để tránh các biến chứng có thể xảy đến trong quá trình phẫu thuật. Cùng với người phẫu thuật viên là những trang thiết bị thiết yếu, trong đó kính hiển vi là một thiết bị không thể thiếu với độ phóng đại thông thường từ 10 - 20 lần và thậm chí đến 40 lần để phẫu tích, khâu nối những mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính chỉ từ 15 - 42 micron tương đương 1/10 đường kính của sợi tóc…
Cách nay hơn 20 năm, trước thực tế các ca chấn thương đứt rời chi liên tiếp được đưa vào cấp cứu nhưng bệnh viện chỉ làm sơ cứu ban đầu rồi chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên, vừa tốn kém cho người bệnh, vừa dễ xảy ra những biến chứng khó lường trong quá trình chuyển viện, Bệnh viện Bà Rịa bắt đầu đầu tư cho lĩnh vực Vi phẫu từ năm 2001. Người đầu tiên được đào tạo và làm chủ kỹ thuật vi phẫu tại BV Bà Rịa là bác sĩ Nguyễn Phương Nam – nay là Trưởng khoa CTCH của bệnh viện. Năm 2005, bệnh viện được đầu tư kính vi phẫu đầu tiên, bác sĩ Nam đã có thể thực hiện các ca nối ghép gân cơ, mạch máu, thần kinh.
Năm 2008 được coi là năm đánh dấu sự thành công ở lĩnh vực vi phẫu của BV Bà Rịa. Sở Y tế tỉnh đã tặng giấy khen (thưởng nóng) bác sĩ Nguyễn Phương Nam và kíp mổ của bệnh viện với thành tích liên tiếp phẫu thuật thành công 2 trường hợp cánh tay và bàn tay đứt rời. Đó là trường hợp anh Đỗ Duy Thiên (26 tuổi, xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành) bị đứt lìa cánh tay phải và xương bả vai bị dập nát do máy cắt gạch và trường hợp anh Lê Hùng Phi (36 tuổi, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bị đứt lìa bàn tay phải cũng do máy cắt. Cũng trong năm 2008, BV thực hiện vi phẫu cứu sống 6 cánh tay, bàn tay đứt lìa và 4 cánh tay, bàn tay gần đứt lìa và đều thành công. Có thể nói, thành công đó đã đưa BV Bà Rịa trở thành cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng thành công kỹ thuật vi phẫu, niềm tự hào của ngành y tế tỉnh nhà.
Đến nay, vi phẫu trong phẫu thuật CTCH của BV Bà Rịa được nâng cao cả về chất và lượng. Hiện tại, Khoa CTCH có 4 bác sĩ thực hiện thành thạo kỹ thuật vi phẫu; được trang bị 2 kính vi phẫu thuật có độ phóng đại lên tới 26 lần và 4 kính lúp (cá nhân) có độ phóng đại 6 lần, cùng các dụng cụ tối tân phục vụ trong phẫu thuật vi phẫu (kìm kẹp kim rất nhỏ, kẹp mạch máu rất nhỏ, kéo vi phẫu nhỏ…). Nhờ vậy, lượng bệnh nhân ngày càng tăng, mỗi năm có hàng trăm trường hợp lưu lại bệnh viện điều trị vi phẫu, trong đó có nhiều trường hợp bị đứt rời chi hoặc đứt mạch máu, dây thần kinh quan trọng…
Mới đây nhất là trường hợp anh Lê Thanh Phong (24 tuổi, phường 12, TP.Vũng Tàu) (nhập viện ngày 31/6) bị chém đứt lìa gân ở cẳng tay và bàn tay bị nát bét. Sau 3 giờ 30 phút vi phẫu thuật, kíp mổ đã nối lại các phần đứt rời, khâu nối mạch máu, thần kinh, gân cơ vùng cẳng tay và bàn tay. Sau 10 ngày điều trị, bàn tay và cẳng tay của bệnh nhân đã ổn định và phục hồi chức năng vận động tốt.
Khi bị chấn thương có phần chi thể đứt rời, việc quan trọng là tính mạng người bệnh do đó việc cầm máu, bảo vệ tính mạng cho người bệnh phải được thực hiện trước. Sau đó, việc bảo quản phần chi thể đứt rời phải được thực hiện đúng cách, nếu không bảo quản đúng cách phần chi thể đứt rời sẽ gây hiện tượng hoại tử mô tế bào, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Khi bị chấn thương có phần chi thể đứt rời, nên cho phần đứt rời vào túi nilông sạch thổi căng hơi, buộc kín lại và nếu có thể thì bọc trong miếng gạc. Sau đó đặt vào một túi nilông khác buộc kín bỏ vào thùng nước đá, giữ ở nhiệt độ 4-100C. Tuyệt đối tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng. Các cơ quan bộ phận bị đứt lìa chỉ bảo quản trong giới hạn 6 giờ thì khi nối lại mới đảm bảo sống và phục hồi các chức năng. Từ 6 - 10 giờ, các tế bào bắt đầu bị phân hủy, nên khó có cơ hội sống sau nối mạch. (Bác sĩ Nguyễn Phương Nam - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo). |
Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Hưng (56 tuổi, xã Suối Rao, Châu Đức) nhập viện (ngày 18/7) trong tình trạng bị loét, bị hoại tử tới sát phần xương cùng cụt của vùng mông với diện rộng đã được cấy ghép da, vi phẫu thành công. Bệnh nhân được tiến hành làm sạch vết thương, lấy một vạt da lớn ở phần đùi của chính người bệnh di chuyển lên vùng mông, khâu nối các cuống mạch, che vùng lộ xương... Sau 1 ngày vi phẫu thuật, vạt da sống tốt và sau 12 ngày vạt da cơ mông của bệnh nhân được phục hồi gần như hoàn toàn.
Bác sĩ Nguyễn Phương Nam chia sẻ thêm: “Kết quả hồi phục sau phẫu thuật vi phẫu tùy thuộc vào tình trạng tổn thương. Nếu được phẫu thuật sớm, điều trị tốt thì tỷ lệ thành công và phục hồi chức năng đạt trên 95%, đồng thời thời gian hồi phục sẽ được rút ngắn lại... Ngày nay kỹ thuật nối mạch tốt hơn và dụng cụ hỗ trợ vi phẫu ngày càng tiến bộ hơn giúp chúng tôi có thể nối ghép được những mạch máu và vạt cơ nhỏ ở khắp nơi trên cơ thể”.
Bài, ảnh: HOA VIỆT