Thiếu máu lâu dài có thể "mất mạng"
Thiếu máu là tình trạng cơ thể không có đủ lượng hồng cầu nuôi cơ thể. Người bị thiếu máu nếu không được điều trị sớm, về lâu dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Đ.V.S ở thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức) chỉ mới 24 tuổi nhưng đã bị thiếu máu nặng. Anh đến khám tại Bệnh viện (BV) Bà Rịa trong tình trạng mệt mỏi, xanh xao với cân nặng chỉ có 30 kg. Chẩn đoán của bác sĩ BV Bà Rịa cho biết, anh ta bị thiếu máu trong tình trạng nguy hiểm và buộc phải chuyển viện để điều trị chuyên sâu. Theo người nhà, thể trạng của anh S. đã gầy yếu, xanh xao nhiều năm nay nhưng gia đình không nghĩ đến anh bị bệnh thiếu máu. Gần đây, anh bị sụt ký nghiêm trọng, đau cổ họng không nhai nuốt được, thì gia đình mới đưa anh vào BV Bà Rịa để thăm khám.
Tương tự, ông Đ.M.H ở phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ cũng bị thiếu máu trong nhiều năm nhưng không chịu đi khám và điều trị sớm. Đến khi sức khỏe ông bị suy kiệt, nhức đầu, chóng mặt ngất xỉu thì người nhà mới đưa vào cấp cứu tại BV Bà Rịa. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị thiếu máu nguy kịch. Để cứu chữa cho ông, BV đã phải truyền cho bệnh nhân tới 10 đơn vị máu trong vòng 7 tháng.
Anh S. và ông H. là hai trong số những bệnh nhân suýt mất mạng do bị thiếu máu trầm trọng trong thời gian dài. Tại Khoa Nội BV Bà Rịa, trung bình mỗi tháng có gần 20 bệnh nhân nhập viện có kèm theo bệnh lý thiếu máu trầm trọng, tăng gần 20% so với thời điểm 5 năm trước đây. Còn tại Khoa Khám bệnh của BV này, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh có kèm theo bệnh lý thiếu máu cũng chiếm khoảng 25%. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đều chỉ được phát hiện bệnh lý thiếu máu khi đi khám các chứng bệnh khác.
Theo bác sĩ Đào Ngọc Thiện, Khoa Khám bệnh, BV Bà Rịa, bệnh thiếu máu ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi người. Bệnh thường gây ra những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng khiến hiệu quả công việc giảm sút. Điều đáng lưu ý là bệnh thường diễn tiến từ từ nên nhiều người bỏ qua các dấu hiện ban đầu của bệnh để đi khám sớm và điều trị kịp thời. Một số người mệt mỏi, xanh xao thì nghĩ rằng mình bị thiếu máu do thiếu sắt nên tự ý mua viên sắt về uống bổ sung. Điều này không tốt cho cơ thể, thậm chí nguy hiểm nếu bổ sung không đúng cách gây dư thừa sắt khiến thận và gan phải đào thải liên tục gây quá tải cho gan, thận và những biến chứng khôn lường khác.
Bác sĩ Thiện cho rằng, thiếu sắt chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu. Đầu tiên chúng ta phải hiểu cơ chế gây ra thiếu máu, đó là tình trạng hồng huyết cầu, hemoglobin (một protein giàu sắt nằm trong các tế bào hồng cầu) dưới mức bình thường. Nguyên nhân có thể do một số bệnh lý di truyền, bệnh ung thư, suy thận, nhiễm ký sinh trùng, ăn uống kém, viêm loét dạ dày... Thiếu máu ở một số người do cấu tạo của cơ quan tạo máu bị khiếm khuyết, hội chứng kém hấp thu. Người thiếu máu thường có những biểu hiện bên ngoài như làn da nhợt nhạt, niêm mạc mắt có màu nhợt, móng tay yếu, tóc rụng, khả năng tập trung kém, hay chóng mặt, hoa mắt. Khi bệnh nhân được xác định thiếu máu thì bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, khi có dấu hiệu thiếu máu bệnh nhân cần phải đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để bệnh chuyển biến trầm trọng.
Đề phòng thiếu máu, mỗi người cần phải ăn uống đủ chất, đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết, thường xuyên đổi món ăn, bổ sung thêm lượng rau, củ, quả trong bữa ăn. Đối với người có bệnh lý hay cơ địa dễ gây thiếu máu, cần ưu tiên ăn những nhóm rau, củ, quả có màu sẫm, màu đỏ như xôi gấc, ớt, cà chua, cà rốt, các loại hải sản (nghêu, sò, ốc, hến, tôm, mực), trứng.
MINH THIÊN