.

Còn vang một tiếng trống này...

Cập nhật: 07:57, 02/08/2019 (GMT+7)

Những ngày này, căn nhà của ông Phạm Lương Hoành (cạnh cổng chào Bà Rịa, 07, Cách Mạng Tháng Tám, phường Long Hương, TP. Bà Rịa) chật chội hơn bởi những chiếc trống đang làm dang dở xếp kín mặt tiền. Ông bảo, phải tranh thủ làm sẵn để chuẩn bị phục vụ mùa tựu trường và Trung thu sắp tới.

Nghề làm trống gia truyền giúp ông Phạm Lương Hoành lo cho 4 người con ăn học tới nơi tới chốn.
Nghề làm trống gia truyền giúp ông Phạm Lương Hoành lo cho 4 người con ăn học tới nơi tới chốn.

Khác với những nghề thủ công khác trên địa bàn tỉnh có nhiều người theo nghề, hiện nay, cả tỉnh chỉ còn duy nhất hộ ông Phạm Lương Hoành làm trống. Ông Hoành sinh ở làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) - một làng trống nổi tiếng của cả nước với “tuổi đời” hơn 1.000 năm. Dù “Nam tiến” mưu sinh từ thời trẻ, trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng cuối cùng ông vẫn chọn theo đuổi nghề gia truyền để lập nghiệp.

Ông kể, năm 1986, một lần ông ghé thăm người bạn đang công tác ở Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) vào giờ tan học. “Thay vì tiếng trống trường ngân vang thì âm thanh tôi nghe được là tiếng kẻng, vừa chói tai lại không lan xa. Ký ức tiếng trống trường tuổi học trò và nghề làm trống sống dậy, tôi thuyết phục bạn nên thay thế kẻng bằng trống. Bạn nghe và đặt tôi làm luôn. Lúc đó đang kỳ nghỉ phép, tôi hì hụi 4 ngày hoàn thành sản phẩm”, ông kể. Từ đó, tiếng lành đồn xa, trường học, chùa, đình, nhà thờ, ban nhạc, đoàn ca múa nhạc, đội lân - sư - rồng… tìm đến ông đặt trống. Ban ngày làm công nhân, tối về lại làm trống, sức không chịu nổi, đến năm 1989, ông quyết định nghỉ việc, mở cơ sở làm trống tại nhà.

Không giống như những nghề sản xuất khác cần khẩn trương, mau lẹ, hoàn thành sản phẩm với năng suất cao, làm trống đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công, khéo léo và kiên nhẫn. Ông Hoành chia sẻ, để làm một cái trống phải trải qua nhiều bước, nhưng có 3 bước quan trọng nhất: làm da, làm tang (bụng trống) và bưng trống (bịt 2 mặt trống). Da để làm mặt trống là da trâu già, còn tươi, bề mặt da không trầy xước, mụn nhọt, được ngâm nước khử mùi chống thối rồi phơi nắng đến khi khô ráo và hết mùi hôi mới đạt yêu cầu. Khi bào da cũng phải chú ý không để da quá dày hoặc quá mỏng, bởi da dày thì tiếng trống không vang, còn da mỏng thì mặt trống nhanh thủng. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít, loại gỗ dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ. Hơn nữa, “gỗ mít đánh ít kêu nhiều”. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng “dăm”. Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu “dăm”, cũng như độ cong và độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín, người thợ còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ một lớp sơn lại có một lớp vải màn.

Ông Phạm Lương Hoành kiểm tra tang trống. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Ông Phạm Lương Hoành kiểm tra tang trống. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là bưng trống. Da trâu được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chết. “Hiện nay, tôi không làm công đoạn thuộc da nữa vì gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường sống. Tôi chủ yếu lấy hàng từ làng trống Đọi Tam. Còn lại, các công đoạn khác đều phải làm tỉ mỉ từng chi tiết”, ông Hoành cho biết. Theo ông Hoành, một số nơi dùng máy rút ngắn thời gian một số công đoạn làm trống nhưng âm thanh tiếng trống sẽ không chuẩn và nhanh hư. “Một chiếc trống được làm bằng máy có tuổi thọ 1-2 năm, trong khi những chiếc trống làm thủ công phải 15-20 năm mới hư hoàn toàn”, ông Hoành so sánh.

Làm thủ công, kỹ lưỡng căn chỉnh từng công đoạn, sản phẩm xài bền, người đặt mới ít nhưng ông vẫn vui. Mỗi năm, tính luôn sửa chữa, ông làm khoảng 50 chiếc trống. Trung bình mỗi chiếc mất từ 4-5 ngày công, giá bán từ 4-6 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, ông cũng bán thêm chiêng, trống nghi thức, giá để trống. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông để dư được 6-7 triệu đồng. Năm nay, 59 tuổi, trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hoành tự hào khi cuộc sống hiện không khá giả, nhưng cũng không túng thiếu và nhờ nghề của tổ tiên truyền lại, ông đã lo được cho 4 người con ăn học tới nơi tới chốn. Trong đó, 2 người con trai nối tiếp nghề cha.

Chuẩn bị cho mùa tựu trường và Trung thu, ông làm sẵn 15 chiếc trống để khi khách mua là có ngay. “Con trai thứ 3 đang công tác tại Công an tỉnh, con trai út lái xe dịch vụ. Buổi tối và cuối tuần, cả hai đều phụ giúp tôi. Khi tôi bận rộn, các con nhận đơn hàng và tự tay hoàn thành mọi công đoạn làm trống. Tôi rất vui vì nghề bao đời tổ tiên truyền lại tiếp tục có cơ hội duy trì và phát triển”, ông nói.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

.
.
.