Các trường chật vật xoay xở "bài toán" thiếu giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên (GV), nhân viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cả ngành GD-ĐT lẫn các địa phương vẫn chưa tìm ra được các biện pháp tối ưu giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Cô và trò lớp 6/3, Trường THCS Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) trong giờ học. Ảnh: MINH THANH |
CÁC TRƯỜNG TỰ XOAY TRỞ
TP.Vũng Tàu là địa phương thiếu nhiều GV nhất. Năm học 2019-2020, thành phố còn thiếu 123 GV. Để bảo đảm đủ GV đứng lớp, nhiều trường học đã phân công GV dạy tăng tiết hoặc thuê GV bên ngoài. Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi cho biết, do thiếu 2 GV (Tiếng Anh và Thể dục), nên trường đã ký hợp đồng thuê GV bên ngoài. Ông Mẫn phân tích: Theo quy định, 1 GV bậc TH phải dạy 23 tiết/tuần, nếu dạy đủ tiết (92 tiết/tháng) thì mỗi GV được nhận gần 3,8 triệu đồng/tháng (41 ngàn đồng/tiết). Thuê được GV nhưng nhà trường cũng rất lo lắng, bởi chưa biết lấy kinh phí từ đâu để trả lương cho 2 GV hợp đồng này. “Tháng 8 và 9, trường chưa được cấp kinh phí nên chưa thể trả lương cho GV hợp đồng. Trong trường hợp đến tháng 10/2019, trường vẫn chưa được cấp kinh phí cho GV hợp đồng thì sẽ tạm ứng kinh phí chi hoạt động thường xuyên của trường để trả lương”, ông Mẫn cho hay.
Tương tự, Trường THCS Thắng Nhì thiếu 5 GV và 1 nhân viên kế toán. Nhà trường đã chủ động thuê GV để bố trí giảng dạy những bộ môn còn thiếu. Riêng công việc kế toán, trường nhờ nhân viên của Trường THCS Võ Trường Toản hỗ trợ từ tháng 10/2018 đến nay. Bà Nguyễn Thị Rung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thắng Nhì bày tỏ: “Chúng tôi rất mong cấp trên sớm bố trí kinh phí trả lương cho GV hợp đồng để họ ổn định tư tưởng, yên tâm giảng dạy”.
Tuy nhiên, nhiều trường học cũng không tìm được GV hợp đồng. Bà Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Huệ (TX. Phú Mỹ) cho hay, năm học 2019-2020, trường thiếu 9 GV so với biên chế được giao. Từ đầu hè 2019, trường đã tìm GV hợp đồng nhưng không có nguồn. Đến nay, nhà trường chỉ ký hợp đồng được với 3 GV, còn thiếu 6 người. Vì vậy, nhà trường buộc phải tăng tiết dạy cho các GV, từ 23 tiết lên 27 tiết/tuần/người. “Việc tăng tiết khiến GV chịu áp lực, không có nhiều thời gian đầu tư soạn giáo án nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Giải pháp này khó có thể duy trì được lâu. Hơn nữa, trung bình mỗi năm Trường TH Nguyễn Huệ tăng thêm 2 lớp nên thời gian tới trường sẽ còn thiếu GV nhiều hơn năm học này”, bà Thủy nói.
Nhiều năm nay, Trường TH Trần Phú, xã Suối Rao (huyện Châu Đức) không tuyển được GV tiếng Anh. Ảnh: TUỆ LÂM |
Tương tự, một số trường học trên địa bàn huyện Long Điền cũng không tìm được GV hợp đồng. Bà Dương Yến Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Điền thông tin, năm học này, ngành GD-ĐT huyện còn thiếu 55 biên chế GV và một số trường gặp khó khăn trong tìm GV hợp đồng. Để giải quyết khó khăn trước mắt, ở bậc TH, các trường tổ chức dạy một buổi, phân công có GV chủ nhiệm 2 lớp, một GV phải dạy nhiều lớp, cá biệt có lớp chưa bố trí được GV chủ nhiệm. Ở bậc MN, một vài trường chưa thể tiếp nhận tất cả trẻ ra lớp mà chỉ nhận số lượng trẻ vừa đủ với số GV hiện có. “Các trường học vẫn đang tiếp tục tìm GV hợp đồng. Khi có thêm người, các trường sẽ huy động hết những trẻ có nhu cầu đi học mà phụ huynh đã đăng ký”, bà Phượng nói thêm.
Bên cạnh đó, theo chủ trương của tỉnh, từ năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT triển khai tăng thêm 2 tiết Tiếng Anh/tuần từ lớp 3 đến lớp 12. Theo tính toán của ngành GD-ĐT tỉnh, với việc tăng tiết, toàn tỉnh còn thiếu 318 GV Tiếng Anh và cần kinh phí khoảng 30 tỷ đồng/năm học. Ngoài ra, các trường còn thiếu nhân viên phục vụ, cấp dưỡng, bảo vệ...
CÔNG TÁC TUYỂN DỤNG CÒN KHÓ KHĂN
Theo tìm hiểu của phóng viên, một trong những khó khăn mà các địa phương, nhất là các huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc đang gặp phải là không tìm được nguồn GV, đặc biệt là GV Tiếng Anh. Ông Nguyễn Đình Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường TH Trần Phú (huyện Châu Đức) cho biết, nhà trường được giao 1 biên chế GV Tiếng Anh. Nhưng nhiều năm gần đây, UBND huyện Châu Đức tổ chức tuyển dụng vẫn không có thí sinh nào nộp hồ sơ dự tuyển về trường. Do đó, cứ đến năm học mới, nhà trường lại tìm GV hợp đồng giảng dạy môn này. Bên cạnh đó, ngoài những yêu cầu như các vị trí khác, thí sinh dự tuyển vào chức danh GV Tiếng Anh còn đòi hỏi phải có Chứng chỉ Ngoại ngữ 2 (Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật..). Nhưng thực tế, không phải thí sinh nào cũng đáp ứng được điều kiện này.
Học sinh Trường TH Kim Đồng, huyện Xuyên Mộc trong năm học mới. Ảnh: MINH THANH |
Riêng huyện Châu Đức, ngoài thiếu GV Tiếng Anh còn khó tuyển dụng GV bậc MN. Ông Lê Thanh Kính, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều trường còn thiếu nhiều GV MN như: Trường MN Rạng Đông (thiếu 6 GV); MN Sơn Ca (thiếu 7 GV); MN Tuổi Ngọc (thiếu 6 GV); MN Sao Sáng (thiếu 5 GV)… Dù đã được bố trí biên chế, nhưng ngành GD-ĐT địa phương không tuyển được GV. Theo ông Kính, nguyên nhân là do mức lương chưa tương xứng với áp lực công việc nên nhiều SV học ngành MN ra trường không mặn mà vào làm việc tại các trường công lập. Ông Kính so sánh: “SV mới ra trường về làm việc tại trường MN công lập chỉ được hưởng mức lương 1,86 (tương đương 2,8 triệu đồng/tháng, chưa kể trừ các khoản phí công đoàn, BHXH…). Trong khi đó, mức lương tại các trường tư thục ở thành phố là 5-7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều GV lựa chọn làm việc ở trường MN tư thục khiến địa phương khan hiếm nguồn GV bậc MN.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, TP. Vũng Tàu thiếu 123 GV, huyện Châu Đức thiếu 120 GV, huyện Xuyên Mộc thiếu 88 GV, TX. Phú Mỹ thiếu 46 GV, huyện Đất Đỏ thiếu 21 GV… Trước tình trạng thiếu GV ở hầu hết các địa phương, tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT, cùng các sở ngành và các địa phương về công tác chuẩn bị năm học mới 2019-2020 vào chiều 22/8, ông Huỳnh Sơn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh cho phép các trường còn thiếu GV được thuê hợp đồng thỉnh giảng theo số lượng trong biên chế được giao nhưng chưa tuyển được, nhằm bố trí đầy đủ GV đứng lớp cho năm học 2019-2020. |
Trong khi đó, TP. Vũng Tàu cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng GV bậc TH. Ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Vũng Tàu cho biết, phòng đã tham mưu UBND thành phố tiến hành xét tuyển trong thời gian tới. Tuy nhiên, dự kiến việc tuyển dụng GV bậc TH tiếp tục gặp trở ngại, khi Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2019. Luật này quy định nâng trình độ chuẩn của GV bậc MN, TH, THCS. Cụ thể, trình độ đào tạo của GV MN từ Trung cấp sư phạm lên CĐ sư phạm, GV TH từ Trung cấp sư phạm lên Cử nhân thuộc ngành đào tạo GV, GV THCS từ CĐ sư phạm lên Cử nhân thuộc ngành đào tạo GV. Quy định này sẽ ảnh hưởng đến những GV bậc TH được đào tạo trình độ CĐ sư phạm. Do đó, những đối tượng này khó đáp ứng được các điều kiện về tuyển dụng.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, những năm gần đây, UBND tỉnh cho phép ngành GD-ĐT tổ chức xét tuyển GV thay vì thi tuyển như trước đây. Điều này cũng góp phần khắc phục những bất cập trong công tác tuyển dụng viên chức giáo dục. Thế nhưng, quy trình xét tuyển còn rườm rà, nhiều công đoạn và thủ tục nên mất nhiều thời gian. Trung bình mỗi đợt tuyển dụng khoảng 4 tháng. Vì vậy, việc tuyển dụng GV, nhân viên của ngành GD-ĐT kéo dài từ đợt này qua đợt khác nên việc thiếu nhân sự chưa được giải quyết dứt điểm.
Trước những khó khăn này, các địa phương đề nghị UBND tỉnh xem xét có các chính sách hỗ trợ, cải thiện thu nhập cho GV để thu hút GV về công tác tại các trường học, nhất là ở bậc TH và MN.
TUỆ LÂM - MINH THANH