.

Trẻ em nghĩ gì về chuyện học, chuyện chơi?

Cập nhật: 19:03, 01/07/2019 (GMT+7)

Ngày 28/6, Ban Chỉ đạo hè tỉnh đã tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” với sự tham gia của gần 400 em HS trên địa bàn tỉnh. Chất lượng dạy học, biểu hiện lệch lạc của giới trẻ về thuần phong mỹ tục, “nghiện” mạng xã hội… là những vấn đề đang tồn tại trong môi trường học đường, khiến nhiều HS băn khoăn.

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giải đáp những thắc mắc của trẻ em  tại diễn đàn.
Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giải đáp những thắc mắc của trẻ em tại diễn đàn.

TRẺ MUỐN ĐƯỢC GIẢM HỌC LÝ THUYẾT

Một trong những vấn đề làm “nóng” diễn đàn là HS đề cập đến chất lượng, phương pháp dạy học ở trường. Em Nguyễn Đăng Duy Thịnh, HS lớp 11, Trường THPT Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) cho rằng, không phủ nhận những kiến thức được học ở trường nhưng phương pháp dạy hiện nay quá nặng về lý thuyết. “Những định luận, định lý trong các môn khoa học tự nhiên, những giá trị nhân văn, nghệ thuật trong các tác phẩm văn học dường như chỉ được xem là “quan trọng” trước các kỳ thi mà thôi. Còn thực tế được áp dụng rất ít”.

Em Đoàn Thị Thanh Thảo, HS lớp 8A3, Trường THCS Phan Chu Trinh (TX.Phú Mỹ) đề xuất nên thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn ở các kỳ thi để đánh giá đúng năng lực của HS. Qua theo dõi đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em thấy đề thi nghiêng về phần nghị luận văn học. Nhưng theo em, cấu trúc đề thi nên để thang điểm cao hơn cho phần nghị luận xã hội. Vì đây là phần thi mà HS có thể thỏa sức sáng tạo, có những cách suy nghĩ, đánh giá, đề xuất những cách giải quyết hay các vấn đề xã hội. Bởi trong cuộc sống, chắc hẳn chúng ta đều gặp nhiều tình huống và phải giải quyết theo cách nhìn nhận, đánh giá bằng kỹ năng, kiến thức xã hội hơn là việc áp dụng kiến thức từ những tác phẩm văn học. Còn nghị luận tác phẩm văn học thì HS bị gò bó trong khuôn khổ một bài văn, bài thơ của tác giả.

Cũng qua tâm đến chương trình giáo dục học đường, em N.Đ.K, HS Trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Châu Đức nêu lên một thực tế: “Tại sao học tiếng Anh ở các trung tâm dạy ngoại ngữ tốt hơn, đạt kết quả cao hơn học ở trường? Vì thực tế là các giờ dạy tiếng Anh ở trường chưa đáp ứng được các kỹ năng nghe, nói nên HS đành phải tìm đến các trung tâm để ôn luyện, nâng cao trình độ”. 

Giải đáp những thắc mắc của HS, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận, thực tế chất lượng dạy học ở trường như HS phản ánh là đúng. Điển hình như môn tiếng Anh ở trường chỉ cung cấp được cho HS kỹ năng đọc, viết, còn kỹ năng nghe, nói bị hạn chế do thời lượng dạy ở trường ít, giáo viên không có điều kiện rèn luyện kỹ năng cho HS.

Đông HS tham gia “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói”.
Nhiều ý kiến của các em đưa ra tại “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” rất đáng trân trọng.

LO LẮNG ĐANG BỊ CUỐN VÀO MẠNG XÃ HỘI

Vấn đề lệch chuẩn thuần phong mỹ tục của giới trẻ trong học đường cũng được các em HS quan tâm. Em Bùi Đào Thiện Mỹ, HS lớp 7A2, Trường THCS Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) cho biết: “Trong trường học của con có bạn gái thường đăng những tấm hình ăn mặc hở hang, lố lăng, nhạy cảm lên facebook. Bản thân con là con gái, cùng lứa tuổi nhưng nhìn những tấm hình đó em cảm thấy không chấp nhận được. Điều đáng nói là bàn ấy bỏ ngoài tai những nhắc nhở của gia đình, bạn bè”. 

Sau khi lấy dẫn chứng và đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh về giải pháp để môi trường học đường giảm bớt hiện tượng HS có biểu hiện sai lệch về chuẩn mực xã hội, em Thiện Mỹ cũng mạnh dạn “hiến kế”: Ngành giáo dục cần mở nhiều lớp giáo dục về các kỹ năng mềm cho HS; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong giáo dục trẻ; thắt chặt các quy định về sử dụng mạng xã hội đối với HS. “Con hy vọng môi trường giáo dục sẽ trở thành môi trường tốt đẹp nhất với mỗi HS. Nơi đó, không những cho ta tri thức, là tình thầy trò, tình bạn đáng quý mà là nơi mang lại những kỹ năng cần thiết cho tương lai”, Thiện Mỹ nói.

Đây là năm thứ 2 Ban Chỉ đạo hè tỉnh tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”. Diễn đàn là dịp để lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó, có những chính sách, chương trình phù hợp. 
Bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng Phòng Chăm sóc, Bảo vệ trẻ em (Sở LĐTBXH tỉnh) cho rằng, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” là một trong những hoạt động rất thiết thực. Qua những tâm tư, nguyện vọng của các em giúp cho lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành có những chính sách, chương trình phù hợp cho trẻ được sống, học tập, phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh”.

TRẺ MUỐN ĐƯỢC ĐỒNG HÀNH GÌN GIỮ MÔI TRƯỜNG

Em Phạm Huỳnh Yến Nhi, HS lớp 8A1, Trường THCS Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cho biết: Qua báo chí, em được “biết rác thải nhựa là một vấn đề “nóng”, làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hiện nay, đã có nhiều loại ống hút sản xuất bằng tre, bột gạo, thân thiện với môi trường. Các chú lãnh đạo có thể triển khai việc sử dụng những loại ống hút này được không? Đáp lại mối quan tâm của em Yến Nhi, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho rằng: Đây là một trong những đề xuất hay, rất thiết thực vì môi trường sống. Nhằm nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là trong HS việc hạn chế sử dụng các vật dụng nhựa sử dụng một lần, năm học 2019-2020, Sở sẽ triển khai phong trào “Nói không với rác thải nhựa ở trường học”. Khi Giám đốc Sở GD-ĐT biểu thị sự quyết tâm và mong muốn học sinh chung sức cùng “nói không với rác thải nhựa”, cả hội trường vang lên tràng pháo tay giòn giã của gần 400 HS thay cho câu trả lời.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
.
.
.