Hơn 30 năm trước, sò ốc mỹ nghệ là một nghề “ăn nên làm ra” của nhiều hộ gia đình tại TP. Vũng Tàu. Theo biến cố của thời gian, từ hơn 20 cơ sở sản xuất, hiện nay TP. Vũng Tàu chỉ còn 2 cơ sở. Nhưng nhắc đến sò ốc mỹ nghệ, nhiều người vẫn luôn mơ về những sản phẩm từ biển, mang đặc trưng Bà Rịa - Vũng Tàu để nhớ một thời vàng son của làng nghề.
Ông Nguyễn Quang Hải và bà Vũ Thị Chức, chủ cơ sở sản xuất sò ốc mỹ nghệ Thanh Thêm bên các sản phẩm thuyền buồm được làm từ sò ốc. |
“Bàn tay vàng” của nghề thủ công mỹ nghệ là danh hiệu mà ông Nguyễn Quang Hải, chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sò ốc Thanh Thêm (8/3, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP. Vũng Tàu) được công nhận. 70 tuổi, ông đã trải qua bao thăng trầm từ thời hoàng kim của nghề thủ công mỹ nghệ đến hôm nay. Và có lẽ, ông là nghệ nhân hiếm hoi của nghề thủ công mỹ nghệ ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn gắn bó với nghề từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước đến nay.
Cơ sở sản xuất mỹ nghệ Thanh Thêm rộng gần 200m2 vẫn tỏ ra chật chội bởi hàng trăm sản phẩm đã hoàn thành, đang chờ đưa đi tiêu thụ. Với tay ra chỗ nào, khách cũng có thể chạm vào một tác phẩm đẹp, từ thuyền buồm, bức tranh cẩn ngọc trai đến những bình bông cầu kỳ, những chiếc đèn ngủ nhỏ xinh.
Câu chuyện của ông Hải đưa chúng tôi ngược dòng thời gian về những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước - khoảng thời gian được coi là hoàng kim của sò ốc mỹ nghệ. Khi đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ sò ốc, đồi mồi, tranh sơn mài, hàng thêu tay, tranh ghép đá… rất đắt khách. “TP. Vũng Tàu đã hình thành cả một khu phố bán hàng mỹ nghệ lưu niệm dọc Bãi Trước với khoảng 30 gian hàng của gần 20 hộ thuộc Hội Nghệ nhân tỉnh. Hoạt động sản xuất và buôn bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất nhộn nhịp. Ngoài việc bán lẻ, các cơ sở sản xuất và chủ tiệm buôn mỹ nghệ còn bán sỉ với số lượng lớn theo đơn đặt hàng của những thủy thủ tàu viễn dương mà nhiều người quen gọi là đóng hàng thu ngoại tệ”, ông Hải nhớ lại.
Năm 2006, tỉnh chủ trương giải tỏa khu vực Bãi Trước, hoạt động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn. Trong khi nhiều nghệ nhân chưa tìm được hướng đi thích hợp, ông Hải mở cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở địa chỉ 42, Hoàng Hoa Thám tiếp tục bán hàng phục vụ khách du lịch và cung cấp hàng cho các tỉnh, thành phố khác đến nay.
Ông Đặng Tấn Lộc, chủ cơ sở sản xuất sò ốc mỹ nghệ (201, Võ Thị Sáu, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) cũng là người gắn bó nhiều năm với nghề mỹ nghệ. Theo ông Lộc, ngày nay, du khách không còn ưa chuộng những sản phẩm to, cồng kềnh, thay vào đó là những chiếc thuyền buồm nhỏ, những con ốc xà cừ nhẵn nhụi, bóng láng có vân và nhiều màu sắc. Do đó, cách sản xuất các mặt hàng sò, ốc mỹ nghệ của cơ sở ông cũng thay đổi cho phù hợp thị hiếu hách hàng. Theo ông Lộc, nghề sò ốc mỹ nghệ gắn với người dân phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu lâu nay. “Đây là một trong những làng nghề góp phần phát triển du lịch địa phương, bởi quà lưu niệm là một sản phẩm không thể thiếu trong chuyến du lịch”, ông Lộc nói.
Ngày 7/9/2018 UBND tỉnh đã công bố quyết định số 2503/QĐ-UBND công nhận nghề sò, ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu là “Nghề truyền thống”. Theo đó, nghề sò, ốc mỹ nghệ phường Thắng Tam được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ và các chính sách có liên quan. |
Chị Vũ Thị Lan, đến từ tỉnh Thái Bình cho biết, mỗi lần có dịp du lịch vào Vũng Tàu, chị rất thích các sản phẩm sò ốc mỹ nghệ. Vì vậy, lần nào chị cũng mua chuông gió, đèn ngủ hoặc móc khóa nhỏ làm từ vỏ ốc... để làm quà cho bạn bè, người thân. “Sò ốc mỹ nghệ của Vũng Tàu có nét đẹp riêng, giá cả lại phải chăng nên tôi rất thích. Đó là những món quà ghi dấu về vùng đất mà tôi đã ghé thăm trong chuyến du lịch”, chị Lan chia sẻ.
Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, toàn TP. Vũng Tàu chỉ còn 2 cơ sở sản xuất mỹ nghệ nhỏ lẻ và 10 hộ nhận làm hàng gia công tại nhà. Các cơ sở sản xuất phân bố rải rác trong thành phố, trong khi các cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu ở tuyến đường Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hạ Long, Thùy Vân…
Bài, ảnh: QUANG VŨ