Những địa danh đã làm nên lịch sử

Chủ Nhật, 07/07/2019, 20:00 [GMT+7]
In bài này
.
Đàn chim én và tiếng còi tầm ở Nhà Tròn
 
Sự cổ kính, gắn với nhịp sống hiện đại, tiếng còi tầm đặc trưng và quanh năm chim én lượn đã tạo cho Nhà Tròn một vẻ đẹp riêng, một sự thanh bình đến kỳ lạ giữa lòng TP.Bà Rịa.
Vẻ đẹp cổ kính của di tích Nhà Tròn.
Vẻ đẹp cổ kính của di tích Nhà Tròn.

Đến Nhà Tròn (đường Cách mạng Tháng Tám, TP.Bà Rịa) trong nắng mai bình yên, du khách sẽ say lòng trong tiếng ríu rít gọi nhau của chim én. Những người sống gắn bó với Bà Rịa cũng không biết chính xác từ bao giờ, chim én kéo về làm tổ ở Nhà Tròn. Chỉ biết rằng, trải qua bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu sự kiện lớn lao, đàn chim én vẫn ở đó, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên bình yên, tươi đẹp. 

Di tích Nhà Tròn còn gắn với tiếng còi tầm, có từ thời thuộc Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, còi tầm không được sử dụng. Đến năm 1976, chính quyền địa phương đã cho khôi phục lại tiếng còi tầm và sử dụng cho đến ngày nay. Hiện còi tầm được sử dụng để báo hiệu chuẩn bị và kết thúc một ngày làm việc của người dân. Bà Nguyễn Thị Kim, 75 tuổi (143 Nguyễn Đình Chiểu, phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) cho biết: “Tiếng còi tầm quen thuộc trong mấy chục năm tôi sống và gắn bó với mảnh đất này. Mỗi khi nghe tiếng còi tầm là tôi biết được mấy giờ chứ không cần nhìn đồng hồ nữa”.

Những năm qua, đường Cách Mạng Tháng Tám được mở rộng, những công trình xây dựng, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên, làm thay đổi bộ mặt của một thành phố trẻ và năng động. Dù nhịp sống hiện đại của trung tâm hành chính - chính trị tỉnh sôi động, nhưng kiến trúc Nhà Tròn vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, rêu phong, cổ kính. Cách Nhà Tròn không xa là cây cầu Long Hương bắc qua con sông Dinh êm đềm, tạo nên vẻ đẹp mềm mại, thơ mộng cho một vùng đất của TP.Bà Rịa. Và ngày nay, khi nhắc đến đến biểu tượng của TP.Bà Rịa, nhiều người nhớ ngay đến di tích Nhà Tròn.

Di tích Nhà Tròn còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của mảnh đất Bà Rịa. Nhà Tròn được chính quyền thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX gồm hệ thống bồn chứa nước cấp nước cho bộ máy cai trị của địa phương thời bấy giờ. Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/5/1945, quân ta đã cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Nhà Tròn. Từ nơi đây, hàng vạn người dân Bà Rịa đã tuần hành xuống đường, mít tinh, khởi nghĩa dành chính quyền từ tay thực dân Pháp và chế độ tay sai. Đến ngày 1/5/1975, trong không khí rạo rực, phấn khởi của ngày thống nhất non sông Bắc-Nam, tại di tích Nhà Tròn, thị ủy Bà Rịa tổ chức mít tinh mừng ngày giải phóng với sự tham gia của hàng ngàn người dân. Trong tâm thức của mỗi người dân Bà Rịa, Nhà Tròn đã trở thành biểu tượng với những trang sử vẻ vang. Nhạc sĩ Võ Lê có 65 năm gắn bó với mảnh đất Bà Rịa, với di tích Nhà Tròn chia sẻ: “Bà Rịa có nhiều thứ đã đổi thay qua thời gian, nhưng di tích Nhà Tròn vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc, vẻ đẹp cổ kính in dấu mãi với thời gian”.

Bài, ảnh: THI PHONG

 

;
.