Người nhiễm HIV: Nên cân nhắc khi muốn sinh con
Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTMC) tại Bà Rịa-Vũng Tàu những năm qua đã đạt tỷ lệ thành công lên tới 98%. Kết quả tích cực này đã khiến nhiều người nhiễm HIV mong muốn được sinh con. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, chị em cần phải cân nhắc thận trọng.
Trẻ sơ sinh được uống ARV ngay khi chào đời để dự phòng lây truyền HIV từ người mẹ bị nhiễm HIV/AIDS. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho trẻ sơ sinh tại BV Bà Rịa (ảnh minh họa). |
Chị N.T.K ở TP. Vũng Tàu phát hiện mình bị nhiễm HIV từ năm 2015, do lây nhiễm từ chồng. Từ đó, vợ chồng chị tham gia điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV (thuốc kháng vi rút) tại Bệnh viện (BV) Lê Lợi. Sau 3 năm điều trị ARV, sức khỏe của vợ chồng chị cải thiện tốt và có thể làm việc, sinh hoạt bình thường. Năm 2018, qua tìm hiểu chương trình PLTMC, vợ chồng chị quyết định mang thai và sinh con. Trong suốt thời gian mang thai, chị K. đều tuân thủ tốt điều trị và dặn dò của bác sĩ. Ngay khi bé chào đời, bác sĩ BV Lê Lợi đã cho uống ARV dạng si rô để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau khi xuất viện, mỗi ngày mẹ con chị đều đến BV Lê Lợi thăm khám và uống thuốc ARV. Nhờ đó, bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Tương tự, vợ chồng anh N.L. và chị P.T.T (TP. Vũng Tàu) cũng chủ động sinh con sau khi biết mình bị HIV. Anh chị tình cờ gặp nhau trong những lần cả 2 cùng tham gia điều trị thuốc ARV tại BV Lê Lợi. Cảm thông hoàn cảnh của nhau, họ nảy sinh tình cảm và nên duyên vợ chồng. Nhờ được tư vấn và tìm hiểu thông tin về điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con, sau gần 7 năm chung sống, chị đã có 2 đứa con khỏe mạnh và không nhiễm HIV.
Hiện nay, những trường hợp nhiễm HIV vẫn chủ động mang thai, sinh con như chị K., chị L. không còn là hiếm gặp. Theo thống kê tại Khoa Sản, BV Lê Lợi, từ đầu năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận 6 trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mang thai, sinh con tại BV. Trong đó, 3 trường hợp đã biết mình nhiễm HIV nhưng vẫn chủ động mang thai, sinh con.
Nữ hộ sinh Trần Phú Hòa (Khoa Sản) cho hay, trước đây, đa số thai phụ nhiễm HIV/AIDS đều không biết mình bị nhiễm HIV trước khi mang thai nên tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con rất cao. Tuy nhiên, từ khi có chương trình PLTMC, tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ giảm mạnh, đến nay gần như 100% trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV đều khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng dù biết mình nhiễm HIV vẫn chủ động sinh con. Họ được cung cấp đầy đủ kiến thức thông tin về việc hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con. Trẻ sinh ra được uống ARV dự phòng ngay lúc lọt lòng mẹ, sau đó được tiếp tục điều trị dự phòng bằng ARV tại các phòng khám HIV/AIDS trẻ em cho đến khi trẻ được 18 tháng sẽ xét nghiệm khẳng định trẻ có bị nhiễm HIV hay không. Còn người mẹ vẫn tiếp tục được điều trị ARV ở các phòng khám HIV/AIDS người lớn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, BV Lê Lợi, dù biện pháp can thiệp trong chương trình PLTMC khá hiệu quả, nhưng các cặp vợ chồng nhiễm HIV cần cân nhắc kỹ trước khi chủ động sinh con. Bởi xác suất lây nhiễm HIV từ mẹ sang con dù rất nhỏ, nhưng cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Chưa kể, quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh hơn. Bên cạnh đó, dù việc có con là mong muốn chính đáng của những cặp vợ chồng bị HIV/AIDS, nhưng những đứa con sinh ra từ cha mẹ nhiễm HIV sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bài, ảnh: MINH THIÊN