Khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng
Những năm gần đây, nhà nước và các DN đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) hoặc tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm theo hướng sạch đẹp, khang trang. Tuy nhiên, tình trạng thiếu NVS hoặc NVS không đạt chuẩn còn phổ biến, nhất là trên tuyến ven biển, nơi có nhiều khách du lịch qua lại.
Phối cảnh 1 NVS công cộng do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thiết kế tại khu vực ngã tư Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). |
TP. Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong việc đầu tư, xây dựng, cải tạo hệ thống NVSCC. Từ nhiều năm trước, thành phố đã xây dựng hệ thống NVSCC cố định và di dộng đặt trên các trục đường đông khách du lịch qua lại như: Thùy Vân, mũi Nghinh Phong, Hạ Long, Trần Phú, Công viên Bãi Trước, khu vực Bãi Dâu... Những NVS này được Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu và Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu quản lý, làm vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Năm 2018, từ nguồn vốn ngân sách và kêu gọi DN đóng góp, TP. Vũng Tàu tiếp tục đưa vào sử dụng 12 cabin vệ sinh công cộng thông minh. Mỗi cabin có diện tích khoảng 2,4m2, thiết kế đẹp mắt, có biển báo bằng tiếng Việt và tiếng Anh, vận hành tự động, có giấy vệ sinh, xà bông rửa tay… và được đặt tại các tuyến phố chính.
Theo ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, đến thời điểm này, thành phố có 29 NVSCC/cabin vệ sinh. Các NVS trên địa bàn thành phố được đánh giá sạch sẽ, thường xuyên có người quét dọn, làm vệ sinh, bảo quản, duy tu. Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động các KDL, khách sạn, nhà hàng, quán ăn quan tâm tôn tạo, nâng cấp và mở cửa NVS đón khách du lịch. Do vậy, hệ thống NVS trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân.
Tuy nhiên, ở các huyện, hệ thống NVSCC hầu như chưa được quan tâm đầu tư. Trên tuyến ven biển qua địa bàn thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Hồ Tràm-Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc), chưa có địa phương nào đầu tư NVS. Người qua đường có nhu cầu thường phải vào các cây xăng hoặc bãi tắm, KDL ven biển, thậm chí là “giải quyết” ngay ven đường.
Anh Nguyễn Mạnh Chiến, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Cao Niên (TP. Hồ Chí Minh) nhận xét: NVS ở các cây xăng ít được dọn dẹp, dơ bẩn, bốc mùi hôi thối. Trong khi đó, NVS tại các bãi tắm thường thu phí, lại nằm sâu trong khuôn viên nên không thuận tiện cho du khách. “Mỗi tuần, tôi đưa 2-3 đoàn khách cao tuổi từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về Xuyên Mộc nghỉ dưỡng. Chứng kiến khách tần ngần đứng trước NVS ở các trạm xăng mà không dám vào sử dụng nên ngay khi vào thị trấn Long Hải, tôi thường cho khách ghé trạm dừng chân mắm Trí Hải (vòng xoay Vũng Vằn) để đi vệ sinh”, anh Chiến kể.
Theo Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, NVSCC thiếu và nhếch nhác là tình trạng chung tại hầu hết các địa phương trong cả nước. “Đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, người nước ngoài qua lại giao thương, du lịch ngày một tăng. NVSCC sạch, đẹp không chỉ là sản phẩm văn hóa du lịch mà còn phản chiếu văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh và năng lực tổ chức cuộc sống của cộng đồng cư dân bản xứ”, một đại diện Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam nhận định.
Bà Rịa-Vũng Tàu đang nỗ lực phát triển du lịch chất lượng cao, thu hút khách du lịch có văn hóa, biết trân trọng môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Một trong những tiêu chí của du lịch chất lượng cao là phải có hệ thống NVSCC đạt chuẩn nhằm mang đến cảm giác thân thiện, thoải mái cho du khách.
Toàn tỉnh có 53 vị trí cần lắp đặt NVSCC. Phương án đầu tư hệ thống NVS trên địa bàn BR-VT do Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đề xuất như sau: Giai đoạn 1 (quý III/2019 đến 2020) đầu tư đưa vào vận hành 25 NVSCC, tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng. Sau năm 2022 tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với 28 NVS. NVS có thể đặt cố định hoặc cabin đơn, đôi lắp ghép. Hệ thống điều khiển trong NVS tự động bằng cảm biến hồng ngoại. Chủ đầu tư thuê đất trong 20 năm, tự quản lý, vận hành, bảo dưỡng. Khi đưa vào sử dụng, không thu phí vệ sinh mà khai thác nguồn thu từ cho thuê quảng cáo, đặt trụ ATM, bán nước tự động, kinh doanh giải khát, ẩm thực… |
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở đã xây dựng đề án xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng NVSCC trên toàn tỉnh. Đề án được các địa phương đồng tình. Hiện nay, các địa phương đã gửi báo cáo về Sở nhu cầu, vị trí, số lượng NVSCC cần xây dựng để phục vụ dân sinh và du khách. Qua quá trình mời gọi đầu tư, Sở cũng nhận được đề nghị xã hội hóa NVSCC từ Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ và Môi trường Kim Hoàng Hiệp (Bình Dương).
Mới đây, ngày 10/7, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã báo cáo UBND tỉnh phương án đầu tư, quy mô, nguồn vốn, mẫu thiết kế NVSCC phù hợp với từng khu vực của tỉnh. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận đề xuất, bày tỏ sự ủng hộ đề án xã hội hóa NVSCC và giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư quy trình thủ tục theo quy định.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA