Mùa về nguồn cội

Thứ Năm, 18/07/2019, 15:57 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi năm, cứ vào dịp hè, tôi lại được về quê thăm ông bà ngoại. Lúc đầu ba mẹ không yên tâm, phải về cùng tôi để gửi gắm cho cậu Út. Nhưng dần dần tôi trưởng thành, có thể về quê một mình. Mặt khác, bác tài xế là bạn thân của cậu Út nên ba mẹ tôi đã an tâm.

Một năm về quê có một lần nên tôi rất háo hức. Trốn khỏi cái nắng oi bức, ngột ngạt khói bụi của thị thành, tôi khoác lên người chiếc áo mát mẻ rợp bóng cây xanh của miền sông nước. Nghỉ hè, quê ngoại vào nông vụ nên mọi người bận rộn suốt ngày. Nhà chỉ còn lại ông bà ngoại. Mà ông bà cũng chẳng được rảnh rang, phải lo cơm nước cho người làm, cho thợ, nên tôi phải tự chăm sóc bản thân. Ông ngoại bảo: “Đây cũng như nhà của con. Muốn làm gì cứ thoải mái, đừng có ngại. Nhưng con nên tránh mấy con sông trước nhà. Con không biết bơi, mà cả nhà thì lo làm đồng, không cứu kịp đâu”. Tôi lém lỉnh nói: “Ngoại yên tâm, con có đem áo phao về nè!”. Ngoại cười, nụ cười móm mém hiền hậu.

Lần nào về quê, cậu Út cũng dẫn tôi đi tắm mưa, bắt cá đồng, giăng lưới… Có những đêm đang ngủ ngon giấc, cậu lay tôi dậy, rồi hai cậu cháu đi ra đồng trong màn đêm soi ếch. Cậu bảo mưa xuống, ếch nhiều lắm. Vốn dĩ tôi rất sợ ma, nên nghe tiếng bụi tre cọ nhau cót két, tiếng ễnh ương, chẫu chàng ộp oạp, tôi sợ điếng hồn, phải đi sát cậu. Tuy sợ nhưng tôi thích khám phá, thích vui nên chỉ vài phút “chào sân” tôi quên mất đi nỗi sợ hãi. Sau hai giờ đi rảo khắp cánh đồng, hai cậu cháu bắt được đầy giỏ ếch. Mang về nhà, cậu Út làm sạch, nấu cháo rồi gọi cả nhà cùng dùng. Cậu ra lệnh cho tôi: “Ăn nhiều vào cho khỏe, thông minh để sau này ba mẹ mày nhờ”. Nồi cháo vừa cạn đáy cũng đến lúc mọi người ra đồng. Tôi tiếp tục vào giường thẳng giấc. Tiếng ếch kêu theo tôi vào cả trong giấc mơ.

 Để ngừa đuối nước, cậu Út dạy tôi tập bơi. Cứ sau một ngày cực nhọc ngoài đồng, cậu dắt tôi ra con kênh đục ngầu phù sa trước nhà tắm. Lúc đầu tôi không biết bơi nên dùng áo phao. Nhưng dần dần tôi bơi thuần thục nhờ sự chỉ dạy của cậu. Rồi cậu còn dạy tôi cách bơi xuồng, gặt lúa, lợp chòi, sửa bàn ghế, be bờ… Những bài học này tuy hơi cực nhưng thú vị và bổ ích vô cùng. Thấy lao động y như người làm công, bà ngoại la cậu Út: “Nó có lấy vợ miệt vườn đâu mà con dạy chi ba cái thứ linh tinh đó”. Cậu Út hóm hỉnh nói: “Mẹ cứ nói vậy! Biết đâu được… Mà học được nhiều việc cũng tốt chứ sao”. Những ngày không có việc, cậu lấy xuồng chở tôi đi thăm họ hàng bên ngoại cho biết mặt, để sau này ra đường gặp nhau tay bắt mặt mừng. Bà con, xóm giềng bên ngoại ai cũng thân thiện, mến khách nên chỉ vài câu trò chuyện, họ xem tôi như con cháu trong nhà. 

Sau hai tháng vui chơi miền sông nước, tôi buộc phải về lại thị thành để chuẩn bị cho năm học mới. Ông bà ngoại chia tay trong bịn rịn, còn gói ghém lỉnh kỉnh quà quê cho tôi mang theo. Cậu Út xoa đầu tôi bảo: “Năm sau về, cậu sẽ tập cho con vác lúa. Lớn rồi, phải chăm lao động, tháo vát như cậu mới lực lưỡng được”. Tôi nhe răng cười: “Ô-kê cậu Út luôn”.

Vậy mà năm nay, tôi mắc nợ lời hứa với ngoại và Út. Mùa thi tốt nghiệp gần kề, tôi lao mình vào học mà không còn thời gian mường tượng khung cảnh nghỉ hè ở làng quê. Chao ôi, nhớ quá những ngày tắm mưa, bắt cá đồng ở miệt vườn làm sao! 

NGUYỄN HOÀNG DUY 

 
;
.