Nhà có 5 người con thì 3 bị bệnh tâm thần, 2 bị câm điếc bẩm sinh. Có lẽ, cảnh đời bất hạnh nhất trong trí tưởng tượng của mỗi người cũng chỉ đến vậy. Nhưng đó lại là những gì mà vợ chồng ông Nguyễn Văn Cử và bà Đinh Thị Thoa (tổ 5, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) trải qua.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Nguyễn Văn Cử. |
Căn nhà cấp 4 xập xệ với những mảng tường bong tróc loang lổ, ẩm mốc là nơi mà gia đình bà Thoa và ông Cử đang sinh sống. Ngồi bệt ở nền nhà với khuôn mặt khắc khổ, tay đan từng sợi cước, ông Cử cho biết: Năm 1972, ông nhập ngũ tham gia chiến trường Bình Trị Thiên. Sau thời gian trong quân ngũ, năm 1977, ông trở về quê rồi lập gia đình. Một năm sau, hai vợ chồng đón con trai đầu lòng - Nguyễn Văn Long.
Nhưng hạnh phúc chưa kịp tới thì bất hạnh đã ập đến với đôi vợ chồng trẻ, khi Long được xác định mắc bệnh tâm thần. Hoàn cảnh ở quê quá khó khăn, lại mong muốn thay đổi môi trường sống với hy vọng giúp bệnh tình của con thuyên giảm, năm 1985, vợ chồng ông quyết định rời quê vào Nam sinh sống.
Nhưng sự trớ trêu của số phận chưa dừng ở đó. 4 người con tiếp theo của ông Cử bà Thoa sinh ra, đều không bình thường: 2 người mắc bệnh tâm thần, không tự chủ được hành động; 2 cô con gái út thì bị câm điếc bẩm sinh.
Nụ cười luôn nở trên khuôn mặt ngây thơ của 2 cô gái Nguyễn Thị Trinh (bìa trái) và Nguyễn Thị Tuyết Hương khuyết tật. |
“Vợ chồng tôi quá đau đớn trước bệnh tật của các con. Bao nhiêu thời gian vợ chồng đều đã dành hết cho con, kinh tế gia đình cũng vì thế kiệt quệ. May là 2 đứa con gái út còn có thể tự đi học được. Nhưng mỗi ngày các con phải đi 40km để đến học chữ với các soeur ở xã Sơn Bình, không biết chúng theo đuổi việc học được đến bao giờ”, ông Cử buồn bã.
Trong bữa trưa của gia đình, nhìn cảnh hai vợ chồng lui cui bên mâm cơm nhỏ chỉ có rau xào và cá kho, chăm lo cho 5 người con đã lớn, chúng tôi không cầm được nước mắt. Không khí im lặng bao trùm. Chỉ thỉnh thoảng có vài tiếng ú ớ không rõ của cô con gái út.
Bà Thoa nghẹn ngào nói: “Hàng ngày, để lo đủ 2 bữa cơm cho cả nhà, tôi dậy từ 4 giờ sáng đạp xe đến các quán xin thức ăn thừa mang về nuôi heo. Xong việc thì ra vườn cắt rau mang ra chợ bán. Tất cả sinh hoạt của gia đình hầu như chỉ trông chờ vào mấy quả mướp, mớ rau hàng ngày. Tiền bán heo thì dành dụm phòng lúc chồng, con ốm đau”.
Vượt qua khổ đau, hàng ngày, người phụ nữ 60 tuổi này lăn lộn chợ búa, nuôi heo nuôi gà lo cho chồng, cho con. |
Dù số phận đã quay lưng lại với cả gia đình, nhưng người phụ nữ 60 tuổi ấy chưa bao giờ từ bỏ. Hàng ngày, bà vẫn đều đặn công việc của mình, vất vả kiếm đồng ra đồng vào lo cho chồng, con.
“Chỉ lo bữa nay, ngày mai không biết ăn gì. Hôm nào có tiền thì có cơm rau, cá kho cho cả nhà ăn còn không gia đình tôi chỉ biết ăn cháo qua bữa. Đi chợ về lại quanh quẩn làm việc nhà, chăm lo cho mấy đứa nhỏ. May mà hàng tháng, gia đình có được khoản trợ cấp nho nhỏ của Nhà nước, nên đỡ được phần nào”, bà Thoa nở nụ cười đầy nghị lực.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu Nguyễn Thị Ngọc Diệu cho biết, ông Nguyễn Văn Cử đang làm hồ sơ xin hưởng chế độ dành cho nạn nhân chất độc da cam nhưng chưa hoàn thiện được giấy tờ. Gia đình bà Thoa thuộc diện hộ nghèo của xã. Trong 5 người con của ông Cử bà Thoa thì 4 người hiện đang được hưởng trợ cấp 480.000 đồng/tháng; riêng cô gái út được trợ cấp 680.000 đồng/tháng. “Chúng tôi mong rằng sẽ có mạnh thường quân chia sẻ, giúp đỡ thêm cho gia đình ông Cử, bà Thoa, động viên họ vượt qua chặng đường đời chông gai phía trước”, bà Diệu nói.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG