Bệnh viện Lê Lợi là bệnh viện đa khoa công lập được giao tự chủ tài chính từ năm 2018. Hiện nay, BV đang đứng trước hàng loạt những khó khăn như thiếu nhân lực, vướng mắc trong thanh toán BHYT… ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tự chủ tài chính.
Tình trạng thiếu bác sĩ của BV Lê Lợi ảnh hưởng đến công tác tự chủ tài chính và nâng cao chất lượng KCB. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Lê Lợi. |
NHIỀU KHÓ KHĂN CHƯA THỂ THÁO GỠ
Khó khăn nhất của BV Lê Lợi hiện nay là tình trạng thiếu bác sĩ ở hầu hết các khoa. Theo báo cáo của BV, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 800-1.000 bệnh nhân nhưng chỉ có 11 bác sĩ phụ trách các bàn khám. Mỗi bác sĩ của bệnh viện phải khám gần 90 bệnh nhân/bàn khám/ngày, vượt xa quy định của Bộ Y tế (không quá 65 bệnh nhân/bàn khám/ngày). Cũng vì sự quá tải này, BV không được BHYT chi trả chi phí công khám từ bệnh nhân thứ 65 trở lên tại mỗi bàn khám trong 1 ngày. Mỗi tháng BV bị BHYT xuất toán 160 triệu đồng. Đây thật sự đang là bài toán rất khó giải quyết của BV Lê Lợi.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi cho biết, BV hiện đang thiếu khoảng 30 bác sĩ phục vụ cho công tác KCB. Để bảo đảm công tác KCB, hàng ngày, BV phải huy động bác sĩ trực (24/24 giờ). Kể cả những bác sĩ đang nghỉ phép, khi BV có việc cần phục vụ cho công tác cấp cứu cũng phải huy động.
“Tình trạng nói trên khiến đội ngũ bác sĩ của BV chịu áp lực rất lớn. Kéo theo đó là nỗi lo dễ xảy ra các sai sót chuyên môn, sự cố y khoa. Chưa kể, áp lực công việc cộng với mức thu nhập chưa tương xứng cũng dễ dẫn đến tình trạng bác sĩ tiếp tục xin nghỉ việc, chuyển đến các đơn vị y tế khác”, bác sĩ Phước lo lắng.
Một khó khăn khác là những vướng mắc trong việc thanh quyết toán KCB bằng BHYT. Hiện tại, nguồn thu của BV Lê Lợi chủ yếu là từ nguồn chi trả của BHYT. Tuy nhiên, nhiều khoản chi phí của BHYT cho dịch vụ KCB BHYT chưa được cơ cấu trong giá dịch vụ KCB BHYT, gồm các khoản tăng lương và chính sách hỗ trợ 30% lương cho cán bộ, nhân viên y tế theo quy định của nhà nước. Nhiều dịch vụ KCB không được BHYT thanh toán như: Chi phí chuyển viện lên một số BV tuyến trên tại TP.Hồ Chí Minh; chi phí cố định gãy xương, chênh lệch xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét... Ngoài ra, một số dịch vụ tại BV thu không đủ bù chi như tiền thuốc (chiếm khoảng 54% tổng số thu BHYT)... Trong khi đó, việc tăng nguồn thu cho BV từ các dịch vụ xã hội hóa, liên doanh, liên kết hiện chưa triển khai hiệu quả do còn vướng về cơ chế, chính sách. Do những khó khăn nói trên, năm đầu tiên tự chủ tài chính, BV bị thiếu hụt hơn 10 tỷ đồng chi các hoạt động thường xuyên (thu 180 tỷ đồng, chi 190,4 tỷ đồng).
CẦN SỚM ĐƯỢC THÁO GỠ
Để tháo gỡ những khó khăn nói trên, bác sĩ Nguyễn Thanh Phước cho rằng, cần có chính sách thu hút, giữ chân bác sĩ có chuyên môn làm việc tại BV, với mức lương ít nhất cũng phải từ 12-15 triệu đồng/tháng. Hiện nay, BV đang đề xuất được phép mở rộng các loại hình dịch vụ y tế theo yêu cầu của bệnh nhân như dịch vụ cận lâm sàng, khám bệnh theo yêu cầu để tăng nguồn thu cho BV, từ đó tăng phần nào thu nhập cho đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, BV đề xuất cần có thêm những chính sách của tỉnh hỗ trợ, thu hút bác sĩ về công tác tại BV. Đồng thời, đề xuất đẩy nhanh tiến độ hoàn thành BV mới để có môi trường làm việc tốt hơn, tạo điều kiện cho bác sĩ được đi đào tạo chuyên môn, triển khai kỹ thuật mới.
Về việc tháo gỡ những khó khăn cho BV Lê Lợi, bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế hiện đang tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án thu hút, giữ chân bác sĩ, trong đó thu nhập của y bác sĩ sẽ cao hơn khoảng 30% (tính theo lương cơ bản). Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với BHXH tỉnh hỗ trợ BV giải quyết những vướng mắc trong việc thanh, quyết toán KCB BHYT. Về phía BV cần xem xét việc tổ chức cơ cấu nhân sự, nên giảm bớt nhân sự là bác sĩ ở các vị trí gián tiếp để ưu tiên lực lượng bác sĩ bố trí trực tiếp làm công tác KCB. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tư vấn cho bệnh nhân xung quanh chế độ KCB BHYT, trao đổi tận tình với bệnh nhân về bệnh tình của họ; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bệnh nhân khi đi KCB, giảm bớt những phiền hà không đáng có cho bệnh nhân.
Bài, ảnh: MINH THIÊN