Những "bông hoa nở trên đất cằn"
Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng 3 HS của tỉnh BR-VT đều ngoan ngoãn, hiếu thảo, bằng nỗ lực không ngừng để vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập, trở thành những điển hình được tuyên dương “Thiếu nhi vượt khó, học giỏi toàn quốc năm 2019”. Các em như những bông hoa vẫn tỏa hương khoe sắc, dù mọc trên mảnh đất khô cằn.
Ba em Nghĩa, Đào, Phượng tại Liên hoan thiếu nhi nghèo vượt khó. |
15 TUỔI VỪA HỌC VỪA CHĂM BÀ NỘI
Mùa hè năm nay thật đáng nhớ với cô học trò nhỏ Hoàng Thị Hồng Đào (HS lớp 9, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP.Vũng Tàu), bởi đây là lần đầu tiên em được đặt chân đến thành phố mang tên Bác để gặp gỡ, giao lưu với những người bạn nghị lực vượt khó khắp mọi miền Tổ quốc. “Đoàn BR-VT có 3 HS, em phải lên sau các bạn một ngày, vì hôm đó đúng ngày em thi vào lớp 10. Đây là lần đầu tiên em được đi xa, từ nhỏ đến lớn em chỉ ở Vũng Tàu. Ban đầu em tính không đi vì nội em già rồi (84 tuổi), nhưng các anh chị động viên mãi, mà em cũng muốn được đến để giao lưu cùng các bạn”, Đào nói.
Gia cảnh khó khăn, mẹ bỏ đi khi Đào chưa đầy 3 tuần tuổi, ba em cũng bỏ lại Đào cho bà nội để đi làm ăn xa, hầu như không liên lạc về nên chỉ có bà cháu no đói có nhau. Trước đây, nội còn khỏe, buôn bán nhỏ nuôi cháu, nhưng cách đây 2 năm, sức khỏe bà yếu dần, phải ở nhà. Mới 13 tuổi, Đào vừa đi học, vừa xin phụ quán chè vào các buổi tối để có tiền trả tiền phòng trọ và sinh hoạt hàng tháng. Căn phòng trọ của bà cháu Đào khoảng 15m2, nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ ở 1A, Tiền Cảng (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu). Căn phòng chỉ có cái giường, chiếc quạt cũ kỹ và góc nhỏ kê tạm nấu ăn nhưng vẫn chật chội. Đào nói em tranh thủ làm bài tập luôn trên lớp hoặc ngồi trên giường để học vì không có bàn, ghế, “mà nếu có bàn học thì em cũng không có chỗ kê”, Đào vừa nói vừa cười nhẹ. Tan học, từ 6 giờ đến 10 giờ tối hàng ngày, em đạp xe 7 km, đến quán chè để phụ bán. “Lương của em được 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền phòng, điện, nước hết 1 triệu, hai bà cháu em gói ghém đi chợ với 500.000 đồng/tháng. Cũng phải tằn tiện chị ạ”, Đào kể. Khó khăn là thế, nhưng suốt 9 năm, em luôn là HS giỏi toàn diện. Hiểu hoàn cảnh bản thân, em cố gắng để được cấp học bổng, có tiền lo cho nội. Chiếc xe đạp em đang đi cũng được nhà trường tặng.
“Hoàn cảnh em khó khăn, nhưng bù lại em luôn được thầy cô, bạn bè yêu quý và giúp đỡ. Em chỉ mong nội luôn khỏe, là chỗ dựa cho em. Em ước mơ sau này trở thành giáo viên, em sẽ dạy dỗ và yêu thương, giúp đỡ những học trò có hoàn cảnh khó khăn”, Đào nói.
CẬU LỚP TRƯỞNG MÊ SÁNG TẠO KHOA HỌC
Lê Trọng Nghĩa (tổ 13, ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) có khuôn mặt sáng, nói chuyện lễ phép nên dễ tạo thiện cảm cho người đối diện. Khi chúng tôi đến, em đang phụ mẹ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa trưa. Năm nay Nghĩa lên lớp 9, là HS Trường THCS Châu Văn Biếc (xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ). Là lớp trưởng suốt 8 năm học, cả 8 năm em đều đạt danh hiệu HSG. Ba mất sớm, anh trai làm việc trên TP.Hồ Chí Minh nên nhà chỉ có hai mẹ con. Hoàn cảnh khó khăn vì mẹ em chỉ làm thuê, phụ bán quán ăn ngoài chợ. Thương mẹ, Nghĩa luôn tự giác học, sau đó phụ mẹ công việc nhà để mẹ đỡ vất vả. Em học đều các môn, trong đó đặc biệt yêu thích môn Toán và tiếng Anh. Năm 2019, em được công nhận là Chỉ huy Đội tiêu biểu cấp tỉnh. Đặc biệt, Nghĩa còn yêu thích sáng tạo khoa học. Năm học 2018-2019, Nghĩa tham gia thi Sáng tạo khoa học và đạt giải Nhất cấp huyện với đề tài “Giàn phơi đồ thông minh”. Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài này, Nghĩa nói: “Trước đây khi nhà em chưa có mái che ở sân. Nhiều bữa mẹ em đi làm, còn em đi học, trời đổ mưa và dây phơi đồ ướt hết, làm mẹ em vất vả giặt lại. Điều này khiến em nảy ra ý tưởng về một giàn phơi đồ tự thu vào khi trời mưa và đẩy ra khi trời nắng. Sau khi trình bày ý tưởng với GV hướng dẫn, em đã sử dụng những cảm biến răng lược trên giàn, khi có nước nhỏ vào, hệ thống cảm biến sẽ kích hoạt và dây quần áo được kéo vào khu vực có mái che. Lần đầu tiên tham gia và có giải thưởng là động lực rất lớn với Nghĩa. “Em đang nghiên cứu về hệ thống chống trộm và sẽ thực hiện cho cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật của năm tới”, Nghĩa nói.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Nghĩa cho hay em sẽ học thật giỏi để trở thành công an. “Ba em khi còn trẻ ước mơ làm công an, nhưng vì lý do cá nhân mà rẽ ngang sang con đường làm xây dựng. Em sẽ thực hiện ước mơ của ba”, Nghĩa nói khi chia tay chúng tôi.
CÔ HỌC TRÒ NGHÈO NUÔI ƯỚC MƠ THÀNH CA SĨ
Cha bỏ đi khi em còn nhỏ, mình mẹ nuôi 5 anh chị em nên Nguyễn Thị Phượng (tổ 2, thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, HS lớp 8 Trường THCS Quang Trung) sớm “già dặn” so với tuổi. Các anh chị đã lớn, có gia đình riêng nhưng lập nghiệp ở xa, hoàn cảnh cũng khó khăn, chỉ có Phượng ở với mẹ. Căn nhà hai mẹ con đang ở được người quen cho đất và được các nhà hảo tâm xây tặng nhà tình thương. Trước đây, mẹ làm thuê nhưng mấy năm nay, mẹ em bị gai cột sống, nhiễm trùng dạ dày, phải nằm một chỗ. Thương mẹ, dù bản thân Phượng sức khỏe cũng rất kém (em bị nhiễm trùng gan, thận từ khi 6 tuổi, đến nay, cứ 3 tháng em vẫn phải khám, lấy thuốc 1 lần), nhưng Phượng vẫn vừa học, vừa làm để nuôi mẹ. Ngoài giờ học, em tranh thủ làm bài tập, rồi đi phụ bán quán cà phê, nhận hạt điều về bóc tại nhà. Ngồi bóc hạt điều suốt 5-6 tiếng, hoặc chạy bàn 4 tiếng, em được trả công 30.000-40.000 đồng/buổi. Hè này, được nghỉ, em phụ bán quán cà phê cả ngày (12 tiếng), với mức lương 90.000 đồng/ngày. “Có tiền, em dành dụm nuôi mẹ, mua tập vở cho năm học mới. Em chỉ mong mẹ sống lâu với em”, Phượng nói.
Liên hoan thiếu nhi vượt khó học giỏi toàn quốc lần thứ 3 năm 2019 được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh từ 14 đến 16-6 với sự tham dự của 278 thiếu nhi vượt khó học giỏi đến từ các tỉnh, thành của cả nước. Tỉnh BR-VT có 3 đại diện là: Hoàng Thị Hồng Đào, Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Thị Phượng. |
Suốt 8 năm, Phượng đều là HSG, em còn là Liên đội trưởng của trường, vừa là một “cây văn nghệ” với giọng hát trong veo. Khi chúng tôi đến, em đang tập múa, nhảy minh họa cho các tiết mục của Thư viện Châu Đức tham gia Liên hoan Kể chuyện sách thiếu nhi cấp tỉnh năm 2019. Trở thành ca sĩ trong tương lai cũng chính là ước mơ của Phượng. “Sức khỏe em không tốt nhưng ngày nào không mệt thì em đều tham gia phong trào, hát múa vì đó là sở thích, mang lại niềm vui cho em mỗi ngày. Em sẽ luôn lạc quan, nỗ lực để mẹ vui”, Phượng nói.
Bài, ảnh: MINH THANH