.

Đi Nhật "cưỡi ngựa xem hoa"

Cập nhật: 15:37, 14/06/2019 (GMT+7)

Cùng với thành phố Tokyo và Kyoto, Osaka cũng là thành phố du lịch rất được yêu thích. Sau đây là cảm nhận của Nhà văn Trần Đức Tiến trong một chuyến du lịch xứ sở Hoa anh đào.

Trung tâm Tokyo.
Trung tâm Tokyo.

 1. Một sớm thức dậy ra ban công tầng 18 khách sạn nhìn xuống TP.Osaka. Ấn tượng ngay lập tức về sự trật tự, ngăn nắp trong xây dựng. Những đường phố thẳng tắp, sạch tinh. Những khối nhà cao tầng có, thấp tầng có, nhưng không hề gây cảm giác bề bộn, bát nháo như bãi xà bần - kết quả của thứ thẩm mỹ chắp vá và sự tùy tiện, kiểu “mạnh ai nấy làm”. Osaka là thành phố lớn thứ 3 ở Nhật Bản, sau Tokyo và Kyoto. Ở Osaka cũng như ở Tokyo, Kyoto, hay ở vài thị trấn tôi dừng chân, và chắc là ở nhiều thành phố thị trấn khác, người ta hầu như không dùng sơn nước hoặc vật liệu sáng màu, hào nhoáng để sơn, ốp lên mặt ngoài tường nhà. Khá giống với các thành phố ở châu Âu, phố xá hầu hết có bộ mặt với gam màu nâu trầm, ấm áp, thân thiện. Chính vì sự sạch sẽ, ngăn nắp ấy mà sống giữa những khối nhà hùng vĩ, con người vẫn không cảm thấy bị gạch ngói, gỗ kính chèn ép cho tức ngực, ngạt thở.

2. Nghỉ chân trên chiếc ghế gỗ đặt dưới mái che, bên cạnh hai cái máy tự động bán nước giải khát. Trời mưa lướt thướt như ở Huế. Ông chủ nhà phía trong (chủ của những chiếc máy?) ngó ra, mỉm cười, cúi đầu chào. Người Nhật rất hay cúi đầu chào. Mỗi lần lên chiếc xe chở bọn tôi đi chơi, tôi mỉm cười với bác lái xe ngồi sẵn trong cabin, bác ấy cũng cúi đầu đáp lễ một cách trân trọng. Ra máy bán nước ngọt, mua chai Fanta giá 130 yên (cỡ 26-27 ngàn đồng). Một cô bé chừng mười hai, mười ba tuổi cũng tới mua nước. Cô lúng túng với cây dù che mưa, đánh rơi đồng xu xuống đất. Tôi chưa kịp cúi xuống nhặt giúp thì cô đã tự nhặt lên được. Tưởng chuyện thoáng qua, nhưng cô bé vẫn lễ phép cúi đầu, cảm ơn ông khách lạ đã có thiện ý. Mưa ngớt. Rời khỏi chỗ trú. Lại thấy chủ nhà bước ra cúi đầu, vẫy tay.

3. Ở một quán ăn của người Nhật. Buổi tối. Chúng tôi dùng món thịt nướng, lẩu và cơm. Thịt bò, thịt heo thái miếng mỏng, đặt sẵn trong những chiếc khay gỗ. Lò than cháy đỏ. Bên cạnh, bếp lẩu sôi sục. Thực khách tự nướng thịt, canh chừng lẩu. Những miếng thịt chấm thứ nước chấm gần giống như tương chao của Việt Nam, rất hợp khẩu vị. Ai đó ngồi dãy bàn phía ngoài hào hứng thông tin: ca sĩ Quang Dũng từng đến ăn ở quán này đấy. Tôi  không quan tâm. Obama có đến đây ăn thì cũng vậy. Tôi chỉ để ý đến thái độ và tác phong phục vụ của mấy cô chạy bàn mặc kimono. Thoắt chỗ này chỗ kia, thướt tha, uyển chuyển, vui vẻ chiều chuộng mọi nhu cầu ăn uống của khách, cứ y như trong nhà có đám, và các cô chính là con cháu trong ngôi nhà ấy.

Ăn xong ra về. Chủ quán và nhân viên đứng sắp hàng bên lối đi, tặng mỗi người một chiếc bánh ngọt là sản phẩm của quán, và cúi đầu tạm biệt. Chủ quán và một nhân viên còn tiễn khách ra tận xe đỗ cách đó mấy trăm mét, để chia tay, nói lời cảm ơn lần nữa.

Ngồi trên xe, một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu: có lẽ người Nhật luôn nghĩ rằng mình sống được là nhờ người khác. Đó là triết lý sống của họ. Từ triết lý đó mà sinh ra lòng biết ơn, trân trọng con người. Lòng biết ơn chân thành đó khác xa với thói trịch thượng, sòng phẳng hạ cấp: bà chửi bố mày lên nhưng bún bà ngon nên mày vẫn phải cúi mặt húp. Hay: đồng tiền ông làm ra là mồ hôi nước mắt của ông, ông bỏ tiền ra thì ông có quyền đòi mày phải hầu hạ, cung phụng ông đến nơi đến chốn…

Sự giàu có, vững mạnh thực sự chỉ được xây dựng trên nền tảng của những triết lý sống tử tế. Bao giờ, ở đâu cũng vậy.

4. Và, họ còn biết ơn cả thiên nhiên. Nghe nói người Nhật luôn sống thuận theo tự nhiên. Không có chuyện bạt núi, ngăn sông, nắn dòng chảy… Phá rừng thì càng không. Cảnh vật chủ đạo trên đất Nhật là đồi núi và rừng. Những con đường cao tốc băng qua nhiều cánh rừng bạt ngàn, xanh thẫm. Cao ốc, siêu thị hoành tráng vẫn nhường chỗ cho cỏ mọn hoa hèn. Có một con kênh, chắc là kênh đào, chạy ngang qua đằng sau khách sạn tôi ở. Nước từ đâu đổ vào kênh không biết, chỉ ngang đầu gối nhưng trong vắt. Đứng trên phòng nhìn xuống, thấy rõ cả những chú cá bằng bắp chân người lớn, đứng tu thiền bất động giữa dòng nước ngược. Tự nhiên, trong đầu tôi liên tưởng đến những con kênh “chết” ở quê mình.

Nữ thần Tự Do trên đảo Odaiba.
Nữ thần Tự Do trên đảo Odaiba.

5. Tôi không thích thủ đô Tokyo bằng cố đô Kyoto. Tokyo rộng lớn, hiện đại nhưng có vẻ choáng ngợp. Kyoto cổ kính, yên bình. Đi dọc con phố cổ, bắt gặp một lô đất còn bỏ trống và cỏ hoang mọc. Tokyo thì chắc chắn không còn mét vuông nào bỏ không.

Một trong những điểm thu hút khách du lịch ở Tokyo là đảo Odaiba (trong vịnh Tokyo), nơi có phiên bản pho tượng Nữ thần Tự Do. Ai cũng biết Nữ thần Tự Do nổi tiếng trên đảo Liberty (New York) là quà của nhân dân Pháp gửi tặng nước Mỹ, và tác giả của bức tượng là nhà kiến trúc người Pháp Auguste Bartholdi. Nữ thần Tự Do Tokyo chỉ có kích thước bằng gần 1/3 Nữ thần Tự Do New York (cao 12,25m so với 46m). Sau khi bức tượng được dựng lên ở Mỹ, nhiều nơi trên thế giới cũng xuất hiện Nữ thần Tự Do “nhái” theo nguyên bản.

6. Con đường lên trạm 5 núi Phú Sĩ vòng vèo giữa rừng cây. Trạm 5 là trạm cuối cùng xe có thể lên được. Từ đó muốn lên đỉnh, phải lội bộ, và tất nhiên đòi hỏi có bằng leo núi và vô số những điều kiện đảm bảo an toàn khác.

Hai bên đường là rừng rậm. Xưa, có những bãi đỗ xe ven rừng ngổn ngang những thân xe mục nát. Chủ của chúng bỏ chúng đó, đi vào rừng và tự tử. Một người đi cùng đoàn kêu lên như phát hiện “chân lý”: Nhật cũng khốn cùng!

Đúng. Thực ra thì không có nơi đâu trên trái đất này hết sự khốn cùng. Ở đâu cũng có những vấn đề, vấn nạn. Không loại trừ cả những nơi phát triển, văn minh nhất.

Nhưng nên nhớ: vấn nạn của loài linh trưởng, chết vì đói rét, vì bệnh tật không thuốc chữa, vì cắn xé lẫn nhau, khác rất xa với vấn nạn của con người, chết vì cô đơn, vì tình yêu...

TRẦN ĐỨC TIẾN

.
.
.