.

Nóng ẩm, cần cẩn thận trong bảo quản thực phẩm

Cập nhật: 15:23, 14/06/2019 (GMT+7)

Mùa mưa, thời tiết nóng ẩm nên thực phẩm dễ nhiễm khuẩn. Vì vậy, người tiêu dùng cần biết cách bảo quản thực phẩm an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm Trung ương kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSTP tại Cửa hàng tự chọn Phước Trung, TP.Bà Rịa.
Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm Trung ương kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSTP tại Cửa hàng tự chọn Phước Trung, TP.Bà Rịa.

NGUY CƠ NGỘ ĐỘC CAO

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở. Do đó, thực phẩm dễ nhiễm khuẩn gây ngộ độc nếu không được chế biến và bảo quản đúng cách. 

Qua giám sát mối nguy thực phẩm, Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào điều kiện thời tiết nóng ẩm. Nhóm thức ăn đường phố như thịt quay, chả thịt heo xay, bún, phở, hủ tíu, nước đá, nước giải khát... dễ nhiễm khuẩn S.aureus (tụ cầu vàng gây bệnh nguy hiểm cho đường ruột), Ecoli, Coliforms. Đặc biệt, khuẩn Ps.aerugin (hay còn gọi là trực khuẩn mủ xanh, đây là vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm có thể kháng với nhiều loại kháng sinh) còn được tìm thấy trong một số mẫu nước đá được bán ở quán ăn.

Ngoài nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây hại, mùa nóng ẩm, thực phẩm cũng dễ bị nhiễm hóa chất bảo quản, do người kinh doanh dùng để hạn chế thực phẩm ôi thiu. Qua giám sát mối nguy của ngành y tế tỉnh trong quý I/2019, vẫn còn 12 mẫu thực phẩm dương tính với hàn the, 1 mẫu thực phẩm nhiễm formol, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm như mì tươi, cá khoai, cà pháo chua, tàu hủ ky… Qua lấy mẫu giò chả để kiểm tra dư lượng nhóm chất bảo quản Natri Benzoat, ngành NN-PTNT phát hiện 5 mẫu giò chả, 1 mẫu bò viên có sử dụng chất bảo quản này vượt mức cho phép. Khi sử dụng Natri Benzoat quá 1gr/kg sẽ gây nguy hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến thần kinh. Đặc biệt, trẻ em khi nhiễm Natri Benzoat dễ dàng bị ngộ độc. Nếu người tiêu dùng sử dụng lâu dài sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tổng hợp protein.

CÁCH PHÒNG TRÁNH

Theo bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để tránh sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATVSTP, tốt nhất người tiêu dùng nên ưu tiên mua sắm ở các địa chỉ tin cậy. Nên lưu ý chỉ mua những loại thực phẩm còn hạn sử dụng, có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh đó, để phòng tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra, ngoài việc lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, người tiêu dùng cần thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu). Nếu thực phẩm sau chế biến nhưng chưa ăn ngay phải được bảo quản đúng cách, trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì tốt nhất là bảo quản trong tủ lạnh, khi sử dụng lại cần phải đun sôi. Người tiêu dùng cũng cần lưu ý không sử dụng thức ăn đóng hộp đã quá hạn; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến...

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm phải ngưng ngay thực phẩm nghi ngờ; gây nôn hết thức ăn vừa mới ăn xong, nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.