Không ít người cho rằng ăn chay có thể giảm cân và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai ăn chay đều tốt, thậm chí còn gây khó chịu (như người tỳ vị hư hàn, người dương khí hư hay sợ lạnh, người ăn ít thiếu năng lượng)…
Nhiều nhà dinh dưỡng đánh giá rất cao rau củ quả, đậu mè, thực phẩm ăn chay rất giàu chất xơ, kali, các vitamin. Đặc biệt, rau củ quả thiên về bổ âm có tính mát, so với nhóm thực phẩm động vật (thịt, cá) thiên về bổ dương tính ấm, ăn nhiều thì nóng.
Theo Đông y, ăn chay “bổ âm” rất tốt với người mắc chứng âm hư nội nhiệt, người gầy nóng, tân dịch bị hao tổn; chứng khô khát phiền nhiệt, tính tình hay nóng nảy; chứng tâm âm hư hay nóng bứt rứt khó ngủ, tâm không tinh; chứng can âm hư hay bốc hỏa đau đầu chóng mặt, hay nóng nảy, mặt nổi mụn nhọt...; chứng phế âm hư nhiệt ho khan viêm họng; chứng tỳ vị âm hư, miệng khô khát; chứng thận âm hư gầy gò khó lên cân, đi tiểu ít, tiểu vàng buốt gắt, lưng chân nóng; chứng phụ nữ âm huyết thiếu hay bốc hỏa; chứng âm hư nội động khó tịnh tâm; trẻ em dương thịnh hay hiếu động.
Rau củ quả còn giàu kali là chất có vai trò giúp cho sự hoạt động bình thường của cơ tim, điều hòa pH trong cơ thể. Nếu thiếu kali có thể gây chuột rút, yếu cơ, liệt cơ và rối loạn nhịp tim… Theo GS. Ohsawa, “ăn uống quân bình âm dương tốt nhất tỉ lệ K/Na xấp xỉ 5/1, trong đó kali đại diện cho nhóm “âm”, Na đại diện cho nhóm “dương”. Mặt khác, rau củ quả rất giàu chất xơ, là chất có vai trò rất tốt ngăn ngừa táo bón, viêm ruột kết, béo phì, giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch huyết áp rất hiệu quả… Rau củ quả rất giàu vitamin nhóm B, là chất có vai trò tăng cường kháng thể ngăn ngừa nhiều bệnh tật…
Tuy nhiên, cần kiêng cữ hạn chế ăn chay với người có chứng bệnh tỳ vị hư hàn, hay lạnh bụng, đau bụng tiêu chảy; chứng đi cầu sống phân, chứng bụng đầy chậm tiêu; chứng dương khí hư đang mùa hè cũng sợ lạnh sợ gió; chứng phong hàn thấp người nặng nề tay chân hay lạnh nhức mỏi; bệnh ốm lâu ngày cơ năng nội tạng suy giảm không sưởi ấm cơ thể; sản phụ sau sinh ăn kém, thiếu sữa; chứng da xanh mét; chứng ngoại cảm phong hàn nội dương hư khí hư cũng cần hạn chế. Hoặc khi chế biến rau củ quả nên luộc xào, cho nhiều gia vị gừng, tiêu và gia vị cay ấm, hoặc thêm mắm muối vị mặn một chút để cân bằng âm dương K/Na. Người dương khí hư hay mệt mỏi sợ lạnh sợ gió, hạn chế nhóm thực phẩm rau củ quả “bổ âm”, nhất là vị chua đắng quá nếu dùng nhiều có thể dẫn đến thừa âm thiếu dương.
Lương y MINH PHÚC
(Nguyên Phó Chủ tịch Hội Đông y TP.Vũng Tàu)