.

Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em - Bài 3: Lỗ hổng trong giáo dục giới tính cho trẻ em

Cập nhật: 17:01, 15/05/2019 (GMT+7)

Trước tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, công tác giáo dục giới tính (GDGT) trong trường học ngày càng trở nên cần thiết. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy việc GDGT trong nhà trường, chưa phát huy được hiệu quả thiết thực.

Cô Nguyễn Thị Phương Dung, GV môn Sinh học, Trường THCS Vũng Tàu giải đáp thắc mắc của HS về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Ảnh: KHÁNH CHI
Cô Nguyễn Thị Phương Dung, GV môn Sinh học, Trường THCS Vũng Tàu giải đáp thắc mắc của HS về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Ảnh: KHÁNH CHI

NỘI DUNG NGHÈO NÀN, GIÁO VIÊN TỰ “BƠI”

Theo chương trình SGK hiện hành, đến lớp 5, HS mới bắt đầu được tiếp cận những kiến thức căn bản về GDGT. Cụ thể, tại chương “Con người và sức khỏe” trong cuốn SGK Khoa học lớp 5, các em được cung cấp kiến thức về sự sinh sản, cách phân biệt giữa nam và nữ, những biến đổi của cơ thể ở tuổi dậy thì, vệ sinh tuổi dậy thì. Cuốn này cũng có một bài học với chủ đề “Phòng tránh bị xâm hại”. Song, nội dung còn rất sơ sài, chỉ đưa ra một số biện pháp phòng ngừa xâm hại mà không phân tích rõ để giúp các em hiểu xâm hại là gì, ai có thể trở thành nạn nhân hay đối tượng xâm hại, hậu quả của việc bị xâm hại... Tới bậc THCS, HS mới bắt đầu làm quen với những kiến thức liên quan đến quyền trẻ em. Và đến cuối năm học lớp 8, các em mới được học về sự sinh sản ở người. 

Theo thầy Lê Hữu Hải, Hiệu trưởng Trường TH Lê Minh Châu (huyện Xuyên Mộc), những nội dung GDGT được đề cập khá nghèo nàn, chưa phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi khá sớm hiện nay. Vì lý do đó, trong các bài học, GV phải tự tìm hiểu thêm kiến thức để lồng ghép vào bài giảng của mình. Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) cho rằng, thời lượng và kiến thức GDGT cho HS trong chương trình hiện còn quá ít. Việc tích hợp, lồng ghép nội dung này phụ thuộc vào từng môn học, bài học và đặc biệt là sự chủ động của từng trường và từng GV nên chưa đồng đều. Nếu nhà trường, GV nhiệt tình, chủ động tiếp cận thì việc triển khai GDGT mới hiệu quả và ngược lại.

Nhiều GV đã khéo léo lồng ghép nội dung GDGT vào bài giảng của mình một cách sinh động. Trong ảnh: HS lớp 8A1 Trường THCS Vũng Tàu chơi trò chơi trước khi bắt đầu bài học “Thụ tinh, thụ thai và sự phát triển của thai nhi” ở môn Sinh học. Ảnh: KHÁNH CHI
Nhiều GV đã khéo léo lồng ghép nội dung GDGT vào bài giảng của mình một cách sinh động. Trong ảnh: HS lớp 8A1 Trường THCS Vũng Tàu chơi trò chơi trước khi bắt đầu bài học “Thụ tinh, thụ thai và sự phát triển của thai nhi” ở môn Sinh học. Ảnh: KHÁNH CHI

Trên thực tế, những kiến thức mang tính lồng ghép, tích hợp trong các bài giảng còn thiếu tính sinh động, hiệu quả thực tiễn chưa cao. Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Trong tất cả các bài học có liên quan, nhà trường đều yêu cầu GV lồng ghép kiến thức GDGT cho HS. Tuy nhiên, việc vừa bảo đảm nội dung SGK, vừa lồng ghép kiến thức, gói gọn trong thời gian 1 tiết học (45 phút) khiến nội dung được lồng ghép, tích hợp chưa phát huy được hiệu quả thiết thực”. Cô Minh dẫn chứng, mới đây, Trường TH Phước Thắng đã tổ chức một buổi ngoại khóa với chủ đề phòng, chống xâm hại tình dục cho gần 3.000 HS toàn trường. Dù trước đó, các em đã được học những kiến thức phòng ngừa xâm hại ở chương trình học trên lớp nhưng khi chuyên gia mời một số em lên nhập vai để xử lý tình huống, các em vẫn quên những kiến thức đã học, nghe lời dụ dỗ và đi theo người lạ. “Liệu những kiến thức được dạy “chay” trên lớp có giúp các em xử lý được tình huống thực tiễn hay không, khi các em còn ở độ tuổi TH?”, cô Minh băn khoăn. “Cần có các chương trình tư vấn cho HS do các chuyên gia trong lĩnh vực này đảm đương. Điều đó sẽ làm tăng hiệu quả giáo dục hơn nhiều lần so với việc HS chỉ được tiếp nhận kiến thức đơn thuần từ GV”, cô Minh đề xuất.

Cô Nguyễn Thị Phương Dung, GV môn Sinh học, Trường THCS Vũng Tàu cho rằng, hiện nay, kiến thức lồng ghép, tích hợp hầu hết do GV tự tìm kiếm bằng nhiều nguồn khác nhau. Những nguồn tài liệu này chưa chắc đã bảo đảm tính chính xác. Còn cô Hoàng Thị Hằng, GV Trường TH Bùi Thị Xuân (TP.Vũng Tàu) thì cho rằng cần trang bị thêm đồ dùng dạy học để các nhà trường GDGT cho HS, giúp nội dung giảng dạy sinh động, lý thú hơn chứ không chỉ là dạy “chay” như hiện nay.

THIẾU KINH PHÍ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GDGT

Trước thực trạng tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT yêu cầu các nhà trường cần tăng cường giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngành, đồng thời để công tác GDGT, phòng ngừa xâm hại trong trường học thiết thực và hiệu quả hơn, nhiều trường học đã tổ chức các lớp, các chuyên đề dạy kỹ năng sống về vấn đề này. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ chương trình này hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa nên chỉ một bộ phận nhỏ HS được tiếp cận. Với HS ở vùng điều kiện khó khăn, hoặc gia đình còn nghèo hay cha mẹ chưa thực sự quan tâm thì việc tiếp cận những chương trình kỹ năng sống vẫn còn quá xa vời. Chị Ph. D., phụ huynh HS Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) cho biết: “Sau khi con được học các chương trình kỹ năng sống phòng, chống xâm hại tình dục với chuyên gia do nhà trường tổ chức, tôi thấy con không chỉ nhận thức tốt hơn mà còn có các kỹ năng phòng vệ cần thiết. Tuy nhiên, trong trường chỉ có một vài lớp có phụ huynh đăng ký cho con theo học. Các lớp còn lại, phụ huynh còn xem nhẹ vấn đề này nên các con phải chịu thiệt thòi”. 

Chúng em mong muốn được tiếp cận kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng ngừa xâm hại từ sớm, chứ không quá trễ như chương trình SGK hiện hành. Những kiến thức này phải được truyền đạt kỹ càng, sinh động hơn chứ không chỉ gò bó trong thời gian 1 tiết học chỉ toàn lý thuyết một chiều, để chúng em được giãi bày và chia sẻ những tình huống, thắc mắc của bản thân. Bên cạnh đó, em thấy việc học kiến thức cũng quan trọng nhưng cần thiết hơn là các kỹ năng ứng phó, thoát hiểm khi gặp tình huống thực tế.

(Trương Nguyễn Hoàng Quân, HS lớp 8A1, Trường THCS Vũng Tàu)

Tương tự, tại Trường TH Phước Thắng (TP.Vũng Tàu), nhà trường cũng đã khảo sát nhu cầu của phụ huynh để mời chuyên gia tổ chức chương trình kỹ năng sống nhằm trang bị kiến thức phòng ngừa xâm hại cho các em. Song, toàn trường chỉ có 10% phụ huynh đăng ký nên việc thực hiện đành gác lại vì không đủ kinh phí. Trong khi, chi phí mà mỗi phụ huynh bỏ ra cho con mình để được trang bị kiến thức từ các chuyên gia cho mỗi tuần một buổi là khoảng 60 ngàn đồng/tháng. 

Đối với các trường ở vùng nông thôn, việc tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống phòng, chống xâm hại tình dục lại càng khó khăn hơn. Bởi phần lớn phụ huynh vùng nông thôn không có điều kiện để đăng ký cho con học các chương trình này, nên nhà trường không có kinh phí để thực hiện. Nội dung GDGT chỉ lồng ghép trong một vài tiết học, hoặc trong một số hoạt động ngoài giờ lên lớp do một số ngành chức năng tổ chức theo vệt đợt. 

NHÓM PHÓNG VIÊN

(Còn nữa)

-----------

Bài 1: Nỗi đau của trẻ bị xâm hại

 

Bài 2: Phần nổi của tảng băng trôi

 

 

 
.
.
.