Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em
Bài 2: Phần nổi của tảng băng trôi
Những vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện, xử lý mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Thực tế, việc phát hiện, điều tra để đưa ra ánh sáng các vụ xâm hại tình dục trẻ em là rất khó khăn.
CHỨNG CỨ MONG MANH
Chứng cứ phạm tội đa số các vụ xâm hại tình dục được đưa đến giám định pháp y muộn và mong manh. Điều này khiến cho nhiều vụ xâm hại không được sớm đưa ra xét xử.
Chúng ta còn nhớ vụ án dâm ô trẻ em xảy ra tại chung cư Lakeside TP.Vũng Tàu được đưa ra xét xử vào năm 2018. Vụ việc xảy ra cách đây 3 năm gia đình nạn nhân mới tố cáo. Do đó, chứng cứ phạm tội chỉ dựa trên lời khai không rõ ràng của nạn nhân (do thời gian quá lâu), việc đánh giá chứng cứ khó khăn cho cơ quan điều tra để kết tội bị cáo. Phải khá lâu, cơ quan công an mới thu nhập đủ chứng cứ để đưa bị cáo ra tòa án.
Buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về kiến thức sức khỏe sinh sản tại Trường THCS Nguyễn Thanh Đằng (TP.Bà Rịa) do Chi cục Dân số-KHHGĐ (Sở Y tế) tổ chức. Ảnh: HUYỀN TRANG |
Hay vụ việc dâm ô xảy ra đối với em K. ở huyện Thái Bình, tỉnh Cà Mau do chứng cứ mong manh, vụ việc không được đưa ra xét xử sớm đã gây hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, từ lời kể của con gái, tháng 9-2016, mẹ của em K. tố giác hành vi dâm ô của ông Hữu Bê đến cơ quan công an địa phương. Nghi phạm không thừa nhận và cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án vì “chỉ có lời khai của K., không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh ông Bê có hành vi hiếp dâm trẻ em và dâm ô đối với trẻ em”. Uất ức, em K. đã tự sát vào ngày 10-02-2017. Sau cái chết của em, trước áp lực của làn sóng dư luận, sự việc mới được làm sáng tỏ. Bộ Công an vào cuộc kết luận ông Bê có ít nhất 2 lần dâm ô nạn nhân nên đã khởi tố vụ án, bắt giam vào ngày 19-9-2017. Tháng 1-2018, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt ông Bê 7 năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Chương, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh từ năm 2013 đến tháng 4-2019, trung tâm đã thực hiện giám định xâm hại tình dục 304 vụ, mặc dù chưa có khảo sát cụ thể, nhưng so sánh với thời gian xảy ra vụ việc do cơ quan điều tra cung cấp thì đa số các nạn nhân đưa đến giám định pháp y muộn.
Đáng lưu ý là lời khai của trẻ rất khó để đánh giá. Bên cạnh đó, không ít vụ việc sau khi xảy ra, mặc dù được báo cáo là vụ việc hiếp dâm nhưng cán bộ điều tra chậm đưa đối tượng giám định ngay (có thể vì lo lấy lời khai, khám hiện trường,…), dẫn đến mất chứng cứ từ bị hại. “Khi bị hại trình báo việc xâm hại, cần đưa đến TTPY tỉnh để giám định - cơ quan duy nhất có chức năng này - tại địa chỉ 686, Võ Văn Kiệt, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa”, bác sĩ Chương cho biết thêm.
Trong một số trường hợp bị xâm hại tình dục, gia đình trẻ thì còn e ngại tai tiếng cho gia đình, sợ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ nên khi phát hiện không tố giác. Trong ảnh: Lớp tập huấn phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho phụ huynh, HS trên địa bàn huyện Châu Đức. Ảnh: THÁI BÌNH |
TỘI PHẠM XÂM HẠI DỄ BỎ SÓT
Trung tá Đinh Xuân Minh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cũng nhận định tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp. Quá trình điều tra khó khăn, chưa kể nhiều vụ xâm hại không được phát hiện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Tuy nhiên, chủ yếu là do trẻ giấu giếm, không biết cách tố giác. Hoặc có thể trẻ bị đe dọa. Trong một số trường hợp, gia đình trẻ còn e ngại tai tiếng, sợ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của trẻ nên khi phát hiện không tố giác. Một số gia đình vì nhiều lý do nên chấp nhận bồi thường của đối tượng xâm hại hoặc bị thủ phạm đe dọa, dùng tiền để hòa giải… Có những trường hợp chính người thân trong gia đình lại bao che, không tố giác người có hành vi xâm hại.
Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH, dù nạn xâm hại tình dục gia tăng, nhưng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ chăm sóc trẻ em còn thiếu hiệu quả, chưa “chạm” đến được nhận thức của trẻ và của các gia đình. “Thực tế, qua tiếp xúc với trẻ em, chúng tôi thấy các em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh xâm hại tình dục. Còn sau khi bị xâm hại, đa phần các em đều sợ hãi, mặc cảm, tự ti và không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội… Có nhiều gia đình sau khi có con bị xâm hại phải chuyển đi nơi khác sinh sống để tránh tai tiếng”, bà Ánh Ngà cho biết.
Khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ, tốt nhất gia đình cần đến cơ quan công an gần nhất để xử lý theo trình tự của pháp luật thay vì chọn cách im lặng. Khi bị xâm hại, nạn nhân và gia đình nạn nhân cần được hỗ trợ tư vấn. Người tư vấn phải am hiểu về pháp luật, tâm lý để hướng dẫn, hỗ trợ các em tối đa. Thực tế, trẻ khi bị xâm hại thường bị đối tượng xâm hại đe dọa khiến các em thiếu chủ động và không thể nói lên ý kiến của mình ngay tức thời. Đó là chưa kể có những vụ việc liên quan đến người thân trong gia đình, có những vụ hai bên còn tìm cách để thỏa thuận dân sự làm hạn chế việc đưa các vụ xâm hại ra ánh sáng.
Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT
|
Bà Trương Thị Ánh Ngà lưu ý thêm, việc xâm hại trẻ em nam là thực trạng rất đáng báo động, nhưng từ trước đến nay hầu như chưa bị phát hiện. Việc xác định đối tượng xâm hại tình dục trẻ em nam rất khó phát hiện và khó xác định. Lý do là người dân chưa nhận diện được hành vi xâm hại trẻ em nam. Đây là đối tượng cũng cần nhận được quan tâm bảo vệ nhiều hơn trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
NHÓM PHÓNG VIÊN