Làm gì để nâng cao năng lực quản trị nhà trường?
Nâng cao năng lực quản trị nhà trường (QTNT) trong đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, QTNT không phải là điều dễ dàng với bất cứ nhà quản lý trường học nào hiện nay.
Một giờ học tại Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền). |
CÔNG TÁC QTNT CÒN NHIỀU TRỞ NGẠI
Tại hội thảo chuyên đề về QTNT vừa được Sở GD-ĐT tổ chức cuối tháng 3, thầy Lê Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu) chia sẻ, phần lớn HS của trường có tinh thần cầu thị trong học tập, quý trọng thầy cô, đoàn kết với bạn bè. Tuy nhiên, trường vẫn còn một bộ phận HS ứng xử thiếu văn hóa. Cụ thể, từ năm học 2015-2016 đến nay, trường đã xảy ra 4 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trường đã đình chỉ học có thời hạn 4 HS, cảnh cáo 5 HS, phê bình 8 HS. Nguyên nhân một phần là do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, trình độ nhận thức về giáo dục của một số cha mẹ HS còn thấp, làm hạn chế khả năng đầu tư cho việc học tập, giáo dục con cái. Một số cha mẹ HS chưa quan tâm phối hợp với nhà trường, còn “khoán trắng” việc giáo dục con mình cho nhà trường. Ngoài ra, do HS tiếp cận với nhiều hình thức vui chơi giải trí thiếu lành mạnh ở cộng đồng, trên mạng xã hội… nên tác động xấu đến nhận thức của các em. “Những nguyên nhân này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập của HS mà còn làm cho công tác quản lý của nhà trường gặp khó khăn”, thầy Tuấn nói.
QTNT không chỉ gặp khó trong công tác quản lý HS, giáo dục HS chăm ngoan, có ý thức, đạo đức tốt mà còn liên quan đến các nội dung khác, kể cả trong công tác tuyển sinh, chất lượng GV… Chia sẻ về công tác tuyển sinh, đại diện Trung tâm GDTX tỉnh thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân khiến số lượng, chất lượng HS của Trung tâm không cao. Ông Lê Xuân Hải, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, những năm gần đây, số lượng HS đến học tại Trung tâm ngày càng ít bởi tỷ lệ HS được tuyển vào các trường THPT ngày càng cao. Mặt khác, một bộ phận HS chọn hình thức vừa học nghề vừa học văn hóa tại các trường, trung tâm dạy nghề. Không những ít về số lượng mà chất lượng đầu vào của HS tại Trung tâm cũng thấp. Trong quá trình học tập tại Trung tâm, một bộ phận HS thiếu ý thức rèn luyện nên kết quả học tập kém. Mặt khác, số HS bỏ học còn nhiều. Theo ông Hải, nguyên nhân là do Trung tâm thiếu thiết bị và phòng dạy nghề phù hợp. Công tác đào tạo còn nặng về lý thuyết nên tay nghề khi ra trường của các em còn hạn chế.
Nói về năng lực của đội ngũ GV, cô Nguyễn Tăng Tường Vy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) thẳng thắn nhìn nhận thực tế vẫn còn có một số GV chưa có ý thức và tinh thần trách nhiệm trong công việc, chưa tích cực, chưa chủ động trong học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nên chất lượng giảng dạy chưa cao. Đây là những hạn chế, ảnh hưởng đến công tác QTNT của Trường THCS Văn Lương trong thời gian vừa qua.
CẦN ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN
Theo thầy Lê Văn Tuấn, phát triển văn hóa nhà trường không phải chuyện “ngày một ngày hai” mà cần có những bước đi phù hợp. Nhà trường cần xây dựng môi trường học tập thuận lợi nhất cho HS thông qua việc tạo cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp bằng cách cho HS tự trang trí nhà vệ sinh, tự vệ sinh lớp và khuôn viên nhà trường. Đồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, rèn luyện kỹ năng ứng xử; cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm… Những hoạt động này không chỉ giáo dục HS tinh thần tự giác, mà còn tạo môi trường thân thiện, hình thành kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa. Đối với GV, mỗi kỳ học, Hiệu trưởng thực hiện lấy ý kiến nhận xét của HS về tình hình nhà trường, GV để kịp thời điều chỉnh những GV còn hạn chế trong dạy học và tương tác với HS. Song song đó, mỗi GV cũng cần tuân thủ việc đến lớp đúng giờ, tạo nề nếp và tác phong chuẩn mực của nhà giáo.
Thời gian qua, công tác QTNT còn bộc lộ nhiều hạn chế, do các trường chưa nắm vững các nguyên tắc, quy định, nên chưa biết vận dụng từ lý luận vào thực tiễn. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao năng lực QTNT là một xu thế phát triển tất yếu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
(Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
Đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, thầy Mai Trương Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Mỹ cho rằng, GV có vai trò quyết định chất lượng giáo dục. Do vậy, mỗi nhà trường phải có chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng phát triển về chất lượng, ngày càng đồng bộ và có tính kế thừa. Ngành GD-ĐT phải tạo dựng và thu hút được đội ngũ GV cốt cán có trình độ cao, giàu kinh nghiệm chuyên môn, có nghiệp vụ và nhiệt huyết với nghề. Ngoài ra, cũng cần chú trọng công tác nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng được nhu cầu của HS.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng nên giảm các hội thi, hội họp, các hoạt động không cần thiết để ưu tiên thời gian GV làm công tác chuyên môn; phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giáo dục để bồi dưỡng chuyên môn, như dự giờ đầu năm kết hợp bồi dưỡng chuyên đề, kiểm tra hoạt động trên lớp kết hợp đánh giá chất lượng HS, các khối dự giờ hoạt động chéo kết hợp kiểm tra nội bộ về công tác chủ nhiệm, làm hồ sơ sổ sách…
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG - TƯỜNG NGÂN