.

Đầu tư cho văn hóa đọc

Cập nhật: 08:08, 19/04/2019 (GMT+7)

Nếu gõ google về cụm từ “văn hóa đọc” thì chỉ trong vòng 0,37 giây bạn sẽ có 160.000.000 kết quả. Thế nhưng sẽ còn bất ngờ nếu tra kết quả cho cụm từ hẹp nghĩa hơn: “văn hóa đọc trong thời hiện đại” vì chỉ trong vòng 0,42 giây sẽ có 185.000.000 kết quả xuất hiện. Con số đó đã chỉ ra rằng: Văn hóa đọc đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Tuy nhiên điều mà người ta quan tâm, lo lắng hơn đó chính là làm cách nào để chấn hưng và phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ nghe nhìn phát triển lấn át văn hóa đọc hiện nay.

HS Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu) đọc sách tại thư viện trường mỗi giờ ra chơi. Ảnh: DIỄM QUỲNH
HS Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu) đọc sách tại thư viện trường mỗi giờ ra chơi. Ảnh: DIỄM QUỲNH

Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Tuy nhiên cùng với  sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin cũng như sự hấp dẫn của các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, phim ảnh, youtube, facebook... thói quen đọc sách, nhất là sách giấy càng ngày càng hạn chế.  Ở Việt Nam tính đến thời điểm này vẫn chưa có một cuộc tổng điều tra về văn hóa đọc trên quy mô toàn quốc để có thể đánh giá mức độ đọc của công chúng hiện nay. Tuy nhiên từ ngày mạng internet phủ sóng hầu hết diện tích nước Việt Nam thì hình ảnh dễ thấy nhất ở khắp mọi nơi từ quán café, công viên, nhà hàng, khách sạn, sân bay hay trên xe khách, phòng trà… đó là nhiều người dán mắt vào chiếc điện thoại, ipad để lướt web, selfie, livestream...  

Với sự phổ biến của các thiết bị nghe, nhìn hiện đại, Một đứa trẻ từ 5-6 tuổi cũng có thể được trang bị và sử dụng thành thạo máy tính bảng, điện thoại thông minh. Các quầy sách báo dần thu hẹp, thay bằng các quán game, Internet. Các nhà sách chỉ đông khách đến mua đồ chơi và đồ dùng học tập, truyện tranh. Các cuốn sách văn học phần lớn chỉ được xuất bản với số lượng trên dưới ngàn bản. Những điều đó cho thấy thực trạng của văn hóa đọc truyền thống đang ở mức báo động. 

Theo số liệu điều tra sơ bộ  của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, có đến 26% dân số Việt Nam chẳng bao giờ đọc sách, 44% thi thoảng mới đọc và tỷ lệ có đọc thường xuyên chỉ đạt 30%. Số lượng sách được đọc trung bình trên đầu người Việt Nam là 4 cuốn/năm, trong đó có 2,8 cuốn sách giáo khoa và chỉ có 1,2 cuốn thuộc các thể loại khác như văn học, kỹ năng, kinh doanh…Thực tế không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới, mặc cho các cảnh báo nghiêm trọng về sự lạm dụng các phương tiện nghe nhìn có thể khiến cho con người trở nên lười tư duy, sáng tạo, kém phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn như Albert Einstein đã từng suy đoán “Tôi sợ rằng trong tương lai, công nghệ sẽ lấn lướt sự tương tác giữa con người. Thế giới lúc đó sẽ là thế hệ của những kẻ đần độn” thì văn hoá nghe nhìn vẫn cứ ngày càng trở nên phổ cập hơn. Số lượng người sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là facebook càng ngày càng tăng trưởng nhanh. 

Đương nhiên không ai phủ nhận những tác dụng lớn lao, của Internet cũng như sức mạnh của mạng xã hội facebook trong tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Thời gian gần đây, nhiều vụ tiêu cực liên quan đến thế giới mạng liên tục xảy ra, khiến cộng đồng lo lắng truy tìm nguyên nhân và giải pháp. Nhiều chuyên gia văn hóa chỉ ra rằng sự lên ngôi của mạng xã hội và sự suy thoái của văn hóa đọc là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến đạo đức xã hội đi xuống. Đúng như người xưa đã đúc kết: Đọc sách không chỉ để tiếp thu kiến thức mà còn để hoàn thiện nhân cách con người.

Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách báo và tri thức trong đời sống, Chính phủ đã có nhiều biện pháp thiết thực để phát triển văn hóa đọc. Những quyết định quan trọng như: Chính phủ công nhận Ngày Sách Việt Nam hay phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” khẳng định quan điểm phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Một số địa phương đã xây dựng các đường sách như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về văn hóa đọc, mở các  hội chợ triển lãm sách với quy mô lớn ở nhiều địa phương. Tất cả đều với một mục tiêu: Chấn hưng và phát triển văn hóa đọc. Thời gian gần đây, những dự án phát triển văn hóa đọc do một số cá nhân và tổ chức xã hội thực hiện như “Sách hóa nông thôn”, “Tủ sách miễn phí”, “Sách chuyền tay” cũng đem về những kết quả đáng mừng. Các cuộc thi như “Đại sứ đọc”, “Cuốn sách tôi yêu”, “Những cuốn sách làm thay đổi cuộc sống” được tổ chức sôi nổi ở khắp mọi nơi, chào mừng Ngày Sách Việt Nam vào mỗi dịp tháng 4 cũng thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. 

Mong rằng, với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng tiến bộ, sách sẽ mãi là một kênh học tập, giải trí, trao đổi thông tin, bồi đắp tri thức có vai trò quan trọng và được đầu tư phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng ở Việt Nam.

 AN AN

.
.
.