.

Chính sách có hiệu lực từ tháng 4-2019

Cập nhật: 16:35, 02/04/2019 (GMT+7)

Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng từ 200 lao động trở lên phải kiểm toán nội bộ

Nghị định số 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán nội bộ có hiệu lực từ ngày 1-4, quy định 3 trường hợp DN bắt buộc phải kiểm toán nội bộ, gồm: Công ty niêm yết. DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. DN Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Nghị định này cũng quy định đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm số biên chế có mặt, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17-11-2000 của Chính phủ và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên, hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ.

Tổ chức từ hai dây họ trở lên, chủ họ phải thông báo cho UBND cấp xã

Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây họ trở lên. Trong văn bản thông báo phải đầy đủ các nội dung: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ họ; Thời gian bắt đầu và kết thúc dây họ; Tổng giá trị các phần họ tại kỳ mở họ; Tổng số thành viên. Chủ họ không thực hiện nghĩa vụ này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) có hiệu lực từ ngày 5-4.

Rà soát, tìm người nhận trẻ em làm con nuôi

Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP) hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 25-4. Theo đó, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì UBND cấp xã xem xét, giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.

Trường hợp tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa vào sống ở cơ sở nuôi dưỡng, cơ sở nuôi dưỡng đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi. Nếu có công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì cơ sở nuôi dưỡng giao 1 bộ hồ sơ trẻ em cho người nhận con nuôi để thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.

Cũng theo Nghị định này, cha mẹ nuôi được yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi. Nhưng trong trường hợp con nuôi đủ 9 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của con.

Lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô pick-up chở hàng tăng gấp 3 lần

Nghị định số 20/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP) về lệ phí trước bạ (LPTB) có hiệu lực từ ngày 10-4 quy định: Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống nộp LPTB lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng, nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung tại điểm này.

Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg nộp LPTB lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống. Ô tô pick-up chở hàng, ô tô tải VAN nộp LPTB lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Hiện nay, LPTB ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ 10%-15% tùy theo quy định của từng địa phương. Như vậy, theo quy định sử đổi trên, LPTB với ô tô pick-up chở hàng, ô tô tải VAN tới đây sẽ khoảng 6%-9%, tăng gấp 3 lần so với mức 2% trước đây.

Đơn vị sử dụng  NSNN được rút tiền mặt từ 100 triệu đồng trở lên tại NHTM nơi đơn vị KBNN mở tài khoản

Từ ngày 1-4, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước giao dịch với đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại (NHTM) có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong một lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại NHTM nơi đơn vị KBNN mở tài khoản theo quy định, trừ 2 trường hợp: Đơn vị có khoản nộp KBNN và khoản chi bằng tiền mặt trong cùng một lần giao dịch; bảo đảm sau khi bù trừ, số chi thực tế bằng tiền mặt tại KBNN có giá trị không quá 100 triệu đồng. Đơn vị KBNN trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 136/2018/TT-BTC (sửa đổi Thông tư 13/2017/TT-BTC) của Bộ Tài chính “về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN”, có hiệu lực từ 1-4-2019.

Cơ sở YHCT không được tính tiền khám cho người bệnh điều trị nội trú ban ngày

Thông tư số 01/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc thực hiện điều trị nội trú ban ngày (ĐTNTBN) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền được thi hành từ 15-4. Theo đó, việc chỉ định ĐTNTBN do bác sĩ quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải ĐTNT nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thời gian theo dõi, ĐTNTBN cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng ĐTNTBN.

Đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được ĐTNTBN hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ. Người bệnh ĐTNTBN được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hằng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị và được hưởng chế độ ĐTNT, theo dõi và chăm sóc trong thời gian làm việc ban ngày. Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị không được tính tiền khám cho người bệnh.

.
.
.