"Gian hàng yêu thương" cho người nghèo khó
Gần một năm qua, những gian hàng trao tặng vật dụng cũ do Hội LHPN phường Mỹ Xuân (TX. Phú Mỹ) mở ra đã mang đến cho người nghèo khó những món đồ dùng thiết yếu. Đúng như tên gọi “Gian hàng yêu thương”, những món đồ tuy đã cũ nhưng còn dùng tốt mang đầy tình cảm của người cho.
Người cần đến nhận đồ cũ tại “Gian hàng yêu thương” của Chi Hội phụ nữ khu phố Phú Thạnh (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ). |
Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Hạnh (quê Tiền Giang, tạm trú ở khu phố Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân) đang ở trọ cùng vợ chồng người con trai. Vợ chồng con trai bà làm công nhân tại TX. Phú Mỹ, thu nhập thấp nên chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ trang trải cuộc sống và nuôi con, không có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình. Biết Chi hội phụ nữ khu phố có gian hàng vật dụng cũ tặng miễn phí, bà Hạnh đã đến chọn được nhiều món đồ còn thiếu trong nhà như: tủ lạnh, quần áo cho các cháu, đôi giày da cho con trai và một số vật dụng nhà bếp. Chọn xong, bà Hạnh còn nán lại ngắm nghía những chiếc áo dài. Thấy vậy, các chị em trong Chi hội phụ nữ khu phố đến trò chuyện, tư vấn cho bà chọn áo. Cầm chiếc áo dài trên tay, bà xúc động nói: “Đời tôi đã 3 lần được mặc áo dài trong những lần tổ chức đám cưới cho các con, nhưng tất cả đều là áo đi thuê. Đây là chiếc áo dài đầu tiên tôi được sở hữu”.
Ông Trần Văn Duyên (60 tuổi) ở khu phố Phú Thạnh thì chọn được chiếc tivi cũ. Thấy ông Duyên đi xe đạp, các chị trong Chi hội phụ nữ khu phố cắt cử người chở giúp đến phòng trọ và nhờ các bạn thanh niên tới lắp đặt cho ông. “Hàng ngày, tôi đi bán vé số, tối về chỉ quẩn quanh trong phòng trọ. Vì vậy, tôi rất mừng khi có chiếc tivi cũ này để xem tin tức và các chương trình giải trí. Tôi sẽ trân trọng món đồ này vì nó không chỉ là một vật dụng thông thường mà còn chứa đựng bao tình cảm, sự yêu thương của các chị em phụ nữ dành cho người nghèo”, ông Duyên bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Mỹ Xuân cho biết, 5 năm trước, Hội LHPN phường đã thực hiện mô hình “Chuyển giao vật dụng cũ” do Hội LHPN tỉnh phát động. Tuy nhiên, mô hình chưa đạt hiệu quả cao do chưa kết nối được người cho và người nhận. Đầu năm 2018, Hội LHPN phường đã nảy sinh ý tưởng thành lập các gian hàng đồ cũ với tên gọi “Gian hàng yêu thương”. Ban đầu Hội thực hiện thí điểm ở 1 Chi hội khu phố. Nhận thấy mô hình có hiệu quả, Hội đã nhân rộng ra 6/9 khu phố.
Gian hàng được mở vào những ngày cuối tuần, từ 1 đến 2 lần/tháng. Địa điểm được đặt tại trụ sở khu phố hoặc ngay tại nhà của các chị em trong Hội. Các vật dụng cũ được bày biện khoa học, ngăn nắp và khá đa dạng như: Tivi, tủ lạnh, máy giặt, quần áo, giày dép, sách, truyện, xoong, nồi, rổ nhựa... Ngoài ra, các chị còn in băng rôn với các biểu ngữ: “Mang đến bằng sự yêu thương-Nhận về cả sự trân trọng”; “Người không cần dùng đem đến-Người cần dùng xin nhận lấy”... Nhận thấy đây là việc làm ý nghĩa, số người mang đồ và số người đến nhận ngày một tăng. Để có nhiều đồ dùng cho “Gian hàng yêu thương”, các chị còn đến tận nhà người cho để thu gom vật dụng cũ và vận động các cửa hàng bán đồ giảm giá, tài trợ đồ cho các gian hàng.
Thực hiện mô hình “Gian hàng yêu thương”, trong năm 2018, các chị em phụ nữ Hội LHPN phường Mỹ Xuân đã chia sẻ đến với người cần dùng 14 tivi, 6 tủ lạnh, 7 tủ quần áo, 13 xe đạp, 69 bao quần, áo, 216 tô, dĩa mới, 145 bộ chén, 178 rổ nhựa, 650 cuốn sách giáo khoa cũ và hàng trăm vật dụng khác. |
Theo chị Phan Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố Phú Hà, người đến nhận đồ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm nên các chị luôn có lời lẽ và hành động khéo léo khi tư vấn, hướng dẫn người đến nhận đồ và giúp chở về nhà đối với những người cao tuổi, sức yếu. “Thế nên, các gian hàng ngày một thu hút nhiều hơn người thiếu, người cần dùng đến nhận. Khi nào gian hàng đông người đến nhận, tuy cực chút nhưng chúng tôi rất vui. Ngược lại, khi gian hàng “ế ẩm”, ít người đến nhận, chị em chúng tôi lại thấy buồn hơn”, chị Thủy tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khối vận phường Mỹ Xuân cho biết, “Gian hàng yêu thương” là mô hình dân vận khéo do Hội LHPN phường đăng ký triển khai thực hiện có hiệu quả trong năm 2018. Mô hình mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực, sẻ chia khó khăn, động viên tinh thần người nghèo ở địa phương, thể hiện truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta, rất đáng nhân rộng”.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH