Phân loại rác tại nguồn: Việc khó cũng phải làm
Việc phân loại rác tại nguồn là một xu thế tất yếu nhằm bảo vệ môi trường bền vững. Tỉnh BR-VT đã có chủ trương phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên việc này vẫn chưa thực hiện được.
Trên địa bàn tỉnh, rác thải vẫn đang được thu gom chung, chưa phân loại tại nguồn. Trong ảnh: Thu gom rác tại TX. Phú Mỹ. |
NHIỀU KHÓ KHĂN
Ngày 1-3-2017, UBND TP. Bà Rịa phê duyệt “Phương án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Bà Rịa giai đoạn 2016-2020”. Phường Phước Hiệp được chọn thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ tháng 5-2017. Sau đó, từ tháng 9-2017 đến tháng 6-2018, UBND phường Phước Hiệp đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, phát gần 2.000 tờ rơi hướng dẫn cách phân loại rác thải và trên 157 ngàn túi nilông đựng rác cho 1.620 hộ dân để phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Theo đó, rác hữu cơ được Công ty CP Dịch vụ Đô thị Bà Rịa thu gom xử lý hàng ngày; rác vô cơ được công ty thu gom theo đợt. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, việc phân loại rác thải tại nguồn ở phường Phước Hiệp hoàn toàn thất bại.
Ông Huỳnh Quang Tuyến, Chủ tịch UBND phường Phước Hiệp cho biết, khi triển khai việc phân loại rác tại nguồn, đã có 70% hộ dân đồng ý tham gia. Tháng 10-2017, thành phố đã phát túi nilông 2 màu cho người dân phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Tuy nhiên, hầu hết người dân cho rằng, nhà nước đang kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilông để bảo vệ môi trường thì không nên sử dụng túi nilông đựng rác sau khi phân loại. Vì vậy, từ đó đến nay phường không thực hiện việc phân loại nữa. Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn chưa thành công còn do việc xử lý rác cuối nguồn tại Công ty TNHH Kbec Vina không theo phân loại. Nghĩa là, tất cả các loại rác thải sinh hoạt sau khi vận chuyển về đây được trộn chung với nhau, dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn của người dân phường Phước Hiệp không có giá trị.
Hiện nay, tỉnh BR-VT chưa có nhà máy xử lý rác sau khi phân loại. Tất cả rác đều được chôn lấp chung tại Công ty TNHH Kbec Vina. |
Ông Phan Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh (Sở Xây dựng) cho biết, việc phân loại rác tại nguồn ở nhiều nước trên thế giới đã được thực hiện từ hàng chục năm qua. Tại Việt Nam, việc phân loại rác tại nguồn mới được nhắc đến cách đây chừng 5 năm và vẫn còn dưới dạng thí điểm ở một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng… Tại BR-VT, Công ty Môi trường tỉnh (nay là Trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải tỉnh) đã xây dựng đề cương chương trình phân loại rác thải sinh hoạt (RTSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2016, đồng thời tổ chức nhiều đợt tham quan học tập mô hình phân loại rác tại nguồn của TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn không triển khai được vì không có kinh phí và gặp nhiều khó khăn khác như: người dân chưa có thói quen phân loại rác, chưa có nhà máy xử lý chất thải sau khi phân loại… Theo Sở Xây dựng, hiện nay việc phân loại rác tại nguồn đã được giao về cho các địa phương thực hiện, trong đó TP. Bà Rịa là địa phương triển khai thí điểm sau đó sẽ nhân rộng đến các địa phương khác.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng phân loại rác tại nguồn vẫn là việc cần làm về lâu dài. Bởi phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là về môi trường, khi giảm khối lượng RTSH phải chôn lấp thì khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt... cũng giảm. Song song đó, việc phân loại rác tại nguồn cũng góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính do khí thải từ bãi chôn lấp. Về mặt xã hội, việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Về góc độ kinh tế, việc phân loại rác tại nguồn sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ hoặc tái chế để phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, để làm được việc này, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cần bắt đầu từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ kinh phí mua thùng đựng rác phân loại, xe chuyên dụng chở rác sau khi phân loại và cuối cùng là phải có nhà máy xử lý rác đã phân loại.
UBND TP. Bà Rịa đang triển khai kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2018 - 2028. Theo đó, thay vì hỗ trợ túi nilông như trước đây, thành phố sẽ mua thùng đựng rác vô cơ đặt ở những vị trí phù hợp để người dân tập trung loại rác vô cơ vào thùng và thu gom theo quy định; rác hữu cơ sẽ tiếp tục thu gom và xử lý như hiện nay. Trước mắt, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác thải và lưu giữ an toàn. Phấn đấu đến cuối năm 2020, TP. Bà Rịa sẽ đạt mục tiêu có 90% hộ dân của 8 phường và 60% hộ dân của 3 xã tham gia thực hiện hợp đồng đổ rác và phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. (Ông Nguyễn Đỗ Hải Thuận, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Bà Rịa)
|
Theo dự báo của Sở Xây dựng, đến năm 2025, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 1.590 tấn/ngày, tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay. Như vậy, về lâu dài, để phát triển bền vững, BR-VT cần phải tính đến giải pháp căn cơ là phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải… Sở Xây dựng cho rằng, khi thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, tỉnh sẽ tính đến phương án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chế biến phân hữu cơ từ rác thải sau khi đã phân loại.
Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đã đề xuất công nghệ xử lý chất thải rắn của BR-VT giai đoạn 2020-2025 là đốt kết hợp phát điện. Với phương pháp này, BR-VT sẽ giảm được 90-95% công suất chôn lấp, qua đó dành nhiều quỹ đất hơn cho phát triển đô thị. Để thực hiện được các giải pháp trên, BR-VT cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình phân loại rác tại nguồn; có cơ chế phát triển các DN thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, đốt và chôn lấp, sản xuất phân phân hữu cơ…
Bài, ảnh: QUANG VŨ