.

Rồi sao nữa?

Cập nhật: 19:34, 17/02/2019 (GMT+7)

- Bà con ơi, chuẩn bị tinh thần mà giải cứu nông sản?!

- Lại giải cứu nữa hả. Loại nông sản gì vậy?

- Giá lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long đang giảm mạnh, nông dân đứng ngồi không yên. Ở miền Đông Nam bộ, giá hồ tiêu bị rớt thê thảm, người trồng tiêu không buồn thu hái.

- Ngoài sự đồng cảm, tụi mình có thể giải cứu được gì?

- Giúp được gì thì giúp. “Giải cứu nông dân” đã trở thành nét văn hóa cao đẹp, đậm chất nhân văn của người Việt ta từ nhiều năm nay.

- Danh mục các loại nông sản cần giải cứu ngày một dài ra.

- Phải, tính ra hàng chục loại rồi. Từ chuối, bí đỏ, dưa hấu, thanh long, củ cải, cà rốt, su hào, hồ tiêu đến heo thịt, cá da trơn… Cứ như thế này, tới đây có khi còn phải giải cứu bơ, mít, sầu riêng…

- “Cứ như thế này” là sao?

- Là mạnh ai nấy trồng, cung vượt cầu nên hàng bị ứ chứ sao nữa.

- Ừ, thấy được giá, quá trời người nhào vô cùng trồng một thứ, đến lúc dội chợ thì cùng… ngắc ngứ. Lỗi của nông dân một phần, nhưng còn vai trò cuả cơ quan chức năng. Có ai đưa ra cảnh báo cho nông dân không?

- Ông hỏi tui, tui biết hỏi ai. Tụi mình chỉ biết tham gia “giải cứu” thôi.

- Nhiều loại nông sản thay phiên nhau được mùa mất giá, giải cứu hoài cũng oải. Phải đặt câu hỏi “giải cứu” xong rồi thì… sao nữa?

- Câu này tui trả lời được. Nhưng mà ông không được cười tui nói y như các chuyên gia.

- Không cười đâu. Ông nói thử  coi?!

- Siết lại mối liên kết 4 nhà, gồm nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, lên kế hoạch trồng con gì, nuôi con gì, tính toán đầu ra, bảo đảm không phải giải cứu cây con gì.

SÁU BẾN ĐÌNH

.
.
.