.

Ẩn họa chờ chực trên đò dọc, đò ngang

Cập nhật: 16:20, 17/02/2019 (GMT+7)

Các bến đò dọc, đò ngang tự phát mọc lên ngày một nhiều. Trong khi, hàng trăm phương tiện hoạt động ở những bến này không được kiểm định an toàn, không trang bị áo phao… Đó là thực trạng rất đáng báo động về an toàn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). 

Cả người điều khiển phương tiện và khách đều không mặc áo phao khi đi từ bến đò tự phát ra nhà hàng nổi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).
Cả người điều khiển phương tiện và khách đều không mặc áo phao khi đi từ bến đò tự phát ra nhà hàng nổi trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).

ĐÃ XẢY RA NHIỀU VỤ TAI NẠN CHẾT NGƯỜI

Trên địa bàn tỉnh BR-VT có 110km ĐTNĐ, với khoảng 60 cảng, bến thủy nội địa, 21 luồng sông, rạch có phương tiện thủy thường xuyên lưu thông (tấp nập nhất phải kể đến sông Dinh, sông Thị Vải, sông Cỏ May, sông Chà Và…). Tuy nhiên, hiện nay, việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động của các bến đò, nhà bè kinh doanh, phương tiện vận chuyển là chưa bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an tỉnh cho thấy, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông ĐTNĐ, làm 3 người chết, 1 người bị thương. Chẳng hạn, vào chiều 16-9-2018, một nhóm khách 7 người sử dụng ghe đánh bắt hải sản xuất phát tại bến đò ở khu vực cầu Rạch Bà (TP.Vũng Tàu) đi tham quan xã Long Sơn. Chiếc ghe này đã bị lật khi đi qua sông Chà Và (thôn 9, xã Long Sơn) vì gặp sóng to, gió lớn. Vụ tai nạn khiến em N.V.Th. (SN 2002, quê Thái Bình) tử vong.

Trước đó, ngày 19-8-2018, tại khu vực xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ. Sau khi nhậu tại nhà bè nuôi thủy sản trên sông, một nhóm 7 người đi trên một chiếc đò chèo để về nhà. Khi đò về đến rạch Cái Liệt (xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) thì bị chìm. Vụ tai nạn làm em P.V. Đ. (17 tuổi, ngụ thôn 5, xã Long Sơn) tử vong.

Có mặt tại bến đò tự phát của nhà hàng nổi Năm Thắng và Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) vào trưa 15-2, chúng tôi nhận thấy, các loại vỏ lãi, ghe chở khách ra vào thường xuyên, trong đó nhiều ghe không trang bị áo phao. Tất cả hành khách lên các phương tiện này vào thời điểm đó đều không mang áo phao. Một số người tỏ ra quá “vô tư” cho rằng khoảng cách từ bến đò ra nhà hàng chỉ có vài trăm mét nên không cần thiết phải mang áo phao.

Tại bến đò ở cầu Rạch Ngã Tư (khu phố Ông Trịnh, phường Tân Phước, TX.Phú Mỹ), chúng tôi ghi nhận một số trường hợp dựng nhà tạm bằng cây, mái lá trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu để bán nước đá và trông giữ xe. Cũng ở bến đò tự phát này, một số hộ dân sinh sống ngay trên ghe, neo đậu phương tiện lấn chiếm hành lang an toàn luồng.

BẾN ĐÒ VÀ PHƯƠNG TIỆN VẪN… “NHIỀU KHÔNG”

Được biết, trong năm 2018, Đoàn công tác liên ngành do Sở GT-VT chủ trì đã kiểm tra hoạt động của các cảng bến hành khách ngang sông; bến đò dọc, đò ngang; nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống, phương tiện vận chuyển người ra bè cá trên luồng giao thông ĐTNĐ. Kết quả, tại TP. Vũng Tàu, có 2 bến đò tự phát, 1 bến khai thác quá thời hạn cho phép hoạt động trên sông Dinh và vịnh Gành Rái; 5 bến đò tự phát nằm trên sông Rạng, sông Chà Và của các nhà hàng làng bè: Đực Nhỏ, Long Sơn, Năm Thắng, Sông Rạng và Sông Chà Và. Tại huyện Long Điền, có 1 bến đò tự phát tại tổ 4, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng. Tại TX. Phú Mỹ, có 1 bến đò tự phát tại đầu cầu Rạch Ngã Tư. Tại huyện Đất Đỏ có 2 bến đò của một DN khai thác quá thời hạn cho phép tại ấp An Hoà, xã Lộc An. Các bến đò tự phát được hình thành phục vụ việc vận chuyển khách ra tham quan bè cá, ăn uống ở các nhà hàng nổi trên các nhánh sông và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông.

Phương tiện vỏ lãi chở người trên sông Chà Và.
Phương tiện vỏ lãi chở người trên sông Chà Và.

Qua kiểm tra, đoàn công tác liên ngành cũng phát hiện tại TP. Vũng Tàu có khoảng 100 phương tiện vỏ lãi gắn động cơ công suất máy trên 20CV nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định và thường chạy tốc độ cao. Còn tại TX. Phú Mỹ cũng có khoảng 200 vỏ lãi; huyện Long Điền có khoảng 10 vỏ lãi với lỗi tương tự.

Ông Nguyễn Đức Tú, Đội Phó Đội Thanh tra giao thông đường thủy, Sở GT-VT, nhận định: “Các phương tiện hoạt động ở các bến đò tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Một số phương tiện không có biển kiểm soát, không kiểm định an toàn kỹ thuật, không trang bị phao cứu sinh, không có hệ thống phòng chống cháy nổ, đệm chống va, đèn chiếu sáng ban đêm”.

THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Theo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải (thuộc Sở GT-VT), loại phương tiện đò gỗ, vỏ lãi gắn động cơ trên 20CV thuộc trường hợp phải đăng kiểm theo Thông tư 48 ngày 22-9-2015 của Bộ GT-VT về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, đa số người dân thường mua vỏ lãi tại các cơ  sở, DN ở các địa phương khác, sau đó mua động cơ trôi nổi trên thị trường để lắp trên phương tiện, nên không có đầy đủ giấy tờ để được đăng ký, đăng kiểm. Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu sử dụng vỏ lãi thì nên mua ở cơ sở uy tín, có đầy đủ hồ sơ phương tiện để thuận lợi trong việc đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định.

Để tổ chức tốt hơn việc quản lý hoạt động của các cảng và phương tiện đường thủy, Sở GT-VT đã chỉ đạo Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động cảng, bến đò. Sở GT-VT cũng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra của Sở tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các bến khách ngang sông, bến đò dọc, đò ngang hoạt động tự phát, trái phép, phương tiện chở người không bảo đảm các điều kiện theo quy định. Trong đó chú trọng việc kiểm tra tiến độ khắc phục tồn tại. Sở GT-VT cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm các bến thủy hoạt động tự phát, trái phép; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân khi phương tiện, bến bãi của họ không đủ điều kiện cho phép hoạt động theo quy định.

Bài, ảnh: TRIỆU VỸ, PHƯƠNG NAM

.
.
.