.

Khi giáo viên "gỡ rối" cho học sinh

Cập nhật: 15:36, 14/02/2019 (GMT+7)

Tuy nằm ở địa bàn vùng xa của huyện Xuyên Mộc, nhưng Trường THCS Hòa Hiệp là một trong những đơn vị làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) của ngành giáo dục địa phương. Thông qua công tác này, từ năm 2016 đến nay, hàng trăm học sinh (HS) đã vượt qua được những “cú sốc” tâm lý, vươn lên học tập tốt.

Thầy Phạm Đức Khương, giáo viên phụ trách công tác TVTLHĐ Trường THCS Hòa Hiệp trò chuyện với HS.
Thầy Phạm Đức Khương, giáo viên phụ trách công tác TVTLHĐ Trường THCS Hòa Hiệp trò chuyện với HS.

Thầy Phạm Đức Khương, giáo viên (GV) phụ trách công tác TVTLHĐ Trường THCS Hòa Hiệp cho biết, tổ TVTLHĐ của nhà trường có 6 GV, hầu hết đều là kiêm nhiệm, trong đó 2 người hoạt động thường xuyên. Mỗi tuần, các thầy, cô bố trí 2 buổi để làm công tác TVTL. Trong quá trình giảng dạy, các GV chủ nhiệm, tổ giám thị thường xuyên thông tin đến các thầy, cô ở tổ TVTLHĐ về các trường hợp HS cần TVTL.  

Em Đ.B.N. (HS lớp 7) cho hay, cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ. Từ đó, mẹ bỏ đi miết, N. chưa một lần được gặp mẹ, còn cha thì lấy vợ khác và ra ở riêng. Do vậy, N. phải ở với ông bà nội. Khát khao một mái ấm gia đình đầy đủ, được sự yêu thương, chăm sóc của cả cha, mẹ nên N. rất buồn, tự ti và tủi thân với bạn bè. Điều này ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập và sự phát triển tâm lý của em. Trong lúc N. bối rối và muốn bỏ học, các GV tổ tư vấn tâm lý của nhà trường đã kịp thời gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và động viên em. Nhờ đó, N. đã vơi đi nỗi buồn, lấy lại niềm tin trong học tập và cuộc sống. 

Còn em P.T.T.T (HS lớp 8) chia sẻ, em đã nhiều lần tham vấn các thầy, cô ở tổ TVTL của nhà trường khi gặp các vấn đề rắc rối trong học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình. Sau mỗi lần tâm sự với các thầy, cô và được tư vấn, động viên, em cảm thấy rất thoải mái, nhẹ nhàng và học tập tốt hơn. 

Theo Ban giám hiệu Trường THCS Hòa Hiệp, năm học 2017-2018, hơn 70 em HS trong trường đã được TVTL để giải quyết các rắc rối trong học tập và cuộc sống. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 40 em HS được TVTL. Các nội dung tư vấn chủ yếu liên quan các vấn đề như: thiếu sự thấu hiểu giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái; sự đối xử thiếu công bằng của cha mẹ với các con; mâu thuẫn tình bạn, tình cảm, tình yêu nam nữ tuổi học đường; cách ứng xử với những vấn đề phức tạp trong cuộc sống... “Qua chia sẻ, động viên và giúp đỡ của các thầy, cô ở tổ tư vấn, hầu hết các vấn đề của các em đã được giải quyết. Nhờ đó, các em có tâm lý ổn định hơn, chăm học hơn, thực hiện nội quy nhà trường tốt hơn. Đây là niềm vui, động lực để chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ TVTLHĐ của mình”, thầy Phạm Đức Khương bày tỏ.

Cô Phạm Thị Cúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Hiệp, Tổ trưởng Tổ TVTLHĐ nhà trường chia sẻ, trong công tác TVTL cho HS, khó khăn hiện nay là GV chưa được tập huấn và tìm hiểu sâu về lĩnh vực khoa học tâm lý. Mặt khác, thời gian dành cho công tác TVTL của các GV còn hạn chế, bất cập; nhiều HS chưa thật sự mạnh dạn thổ lộ điều thầm kín, nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn về tâm lý, tình cảm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh chưa hiểu được ý nghĩa của công tác TVTLHĐ nên thiếu sự hợp tác và kinh phí phục vụ cho công tác TVTL hầu như không có... 

“Hiện nay, các giáo viên TVTL được bồi dưỡng khoản tiền tương đương 8 tiết dạy/tháng cho cả 6 người. Do đó, hầu hết các thầy, cô chỉ làm bằng nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tình thương yêu với các em HS chứ không được hưởng chế độ chính thức nào cho công tác TVTLHĐ”, cô Phạm Thị Cúc cho hay. 

Bài, ảnh: TRÚC GIANG 

 
.
.
.