.

Thuê người giúp việc cũng… rối!

Cập nhật: 11:39, 04/01/2019 (GMT+7)

Lâu lắm, bạn bè mới có dịp cà phê vào chiều cuối tuần. Nói chuyện đông tây kim cổ hoài cũng chán, cuối cùng lại quay về chuyện gia đình, chính xác hơn là tìm người giúp việc sao cho phù hợp.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Cậu bạn tên Sang phát pháo đầu tiên: “Tớ đố các bạn tình huống nào khiến vợ/chồng đau đầu nhất? Dù tiền không thiếu nhưng rồi cũng phải nhọc cái thân? Xin nói trước ở đây không bàn gì đến ngoại tình, nội tình gì cả. Chỉ liên quan đến việc nhà thôi”. 

Dù đã giới hạn phạm vi của câu đố nhưng ai nấy đều bí rị. Lúc sau, Sang mới thúc thắc cứ như thể đang tâm tình: “Nè các bồ tèo, dù thương thì thương, yêu thì yêu nhưng nếu “nửa kia” cứng đầu quá, không chịu nghe theo lời phân tích phải trái, lợi hại, cứ cương quyết “giữ vững lập trường”, kể ra “nửa này” cũng phiền toái lắm đây. Có những chuyện dù mình không ưng ý, nhưng cũng phải chấp nhận. Thế mới càng thấy có tiền chưa chắc đã nhàn nhã cái thân. Biết đến bao giờ mới “thoát” khỏi cảnh ngộ ấy?”.

Ai nấy ngơ ngác rồi nhao nhao: “Cảnh ngộ gì vậy, bật mí luôn đi!”. Sang nói to: “Đấy, cũng là việc có nên thuê Osin hay không? Tưởng dễ chăng? Không đâu. Gay cấn lắm”. 

Nói xong, anh bạn bèn kể, từ ngày có con mọn, vợ anh phải gánh thêm nhiều việc, lúc nào cũng bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi. Ngay cả anh cũng khó có thể tập trung làm việc như trước. Lúc chưa có con chẳng sao, đôi vợ chồng son còn thừa thời gian thư giãn nọ kia, nay khó có thể thỉnh thoảng đi xem phim, nghe nhạc như trước. Do đó, Sang mới bàn với vợ là thuê Osin san sẻ bớt công việc. 

Nhưng thật bất ngờ, vợ Sang phản đối: “Anh nói gì kỳ cục vậy? Bộ tưởng nhà mình là kho bạc à?”. “Ừ, dù không được như thế nhưng mình tằn tiện chút đỉnh cũng thừa trả lương cho người giúp việc”, Sang đáp. Thế nhưng vợ anh vẫn ứ chịu. “Mà một khi vợ đã không chịu thì phải làm sao?”, sau khi hỏi câu ấy, không đợi bạn bè trả lời, Sang đưa luôn ra “đáp án”… cực kỳ chính xác: “Cách tốt nhất là phải vâng lời vợ”. 

Vậy là, từ ngày có con, sinh hoạt của vợ chồng Sang thay đổi nháo nhào, khó có thể điều chỉnh vào nề nếp như trước. Anh kết luận: “Dù tiền không thiếu nhưng cũng nhọc cái thân, phải không”. Ai cũng gật gù tán thành. Trước tình huống này, có người vội kết luận là do vợ anh “kẹo kéo” quá mức, vì thế, không chỉ bản thân mình mà ngay cả người chồng cũng mệt theo. Liệu chừng suy nghĩ này có đúng? Thật khó có thể đưa ra kết luận nào, bởi chỉ mới nghe thông tin từ một phía.

Từ đầu vốn ngồi yên lặng, nhưng Thủy cũng góp chuyện: “Tớ nghĩ, việc thuê Osin là lẽ thường tình, nhất là khi thu nhập của mình không đến nỗi “bèo như con cá kèo”. Thế thì, chưa chắc chị nhà của bạn Sang “ky bo” đâu. Đừng nói đâu xa, cứ nhìn vào tính cách của ông xã tớ thì rõ ngay thôi”. 

Rồi Thủy cho biết dù nhà cửa rộng rãi, nào chơi hoa, nào trồng rau sạch, nào nuôi cá kiểng… hễ đi làm về, việc đầu tiên của chồng là lao ngay vào chăm sóc. Chẳng lẽ, trong khi “một nửa” túi bụi với công việc mà mình lại ngồi yên bật truyền hình xem ca nhạc, xem phim? Vậy là cô đành làm theo chồng cho có lệ. Đã thế, ngày nghỉ cuối tuần, chủ nhật trong lúc vợ chồng người ta ra khỏi nhà, xuống phố la cà quán xá thì vợ chồng cô lại phải tranh thủ làm việc nhà do cả tuần cả hai cùng đi làm nên bỏ bê. Nếu có đi chơi, lúc nào người chồng cũng vội vội vàng vàng mất cả hứng. 

Cảm thấy không còn mấy thời gian nghỉ ngơi, Thủy mới bàn với chồng thuê người giúp việc. Tiếc thay, người chồng lại từ chối phắt với lý do rất ư “cùi bắp”: “Chắc gì Osin đã làm tốt hơn anh?”. “Này anh, ban đầu có thể như vậy nhưng nếu không hài lòng, anh hướng dẫn cho họ, có gì khó?”. Trả lời câu nói của vợ, người chồng tỉnh bơ: “Chắc gì Osin nấu bếp hợp khẩu vị bằng em?”. Dù đưa ra lý do gì nhưng rồi với lý lẽ cực kỳ chủ quan: “Chắc gì…” đã khiến sự việc dẫm chân tại chỗ. 

Đâu dễ chịu thua, Thủy bèn tâm sự với má chồng. Từ “cầu nối” vững vàng và đáng tin cậy, Thủy mới biết, sở dĩ người chồng bấy lâu từ chối vì một lý do đã xảy ra… thời sinh viên. Hồi đó, đang ở trọ một mình một phòng, anh ta cho người bạn mới quen về ở chung. Điều không ngờ đã xảy ra là lần nọ bạn mượn chiếc xe đạp rồi “biến mất”. Kể lại cho mẹ mình nghe, anh ta kết luận: “Bạn bè còn thế, chứ huống gì người dưng nước lã?”. 

Biết được “tâm sự thầm kín” này, Thủy nhờ má chồng “tiến cử” cho người đáng tin cậy. Nhờ vậy, mọi việc đã đâu vào đó rất “đúng quy trình”. Kể xong, Thủy quay qua nói với Sang: “Cậu tìm hiểu kỹ lý do đi, chẳng phải bà xã nhà anh tiếc tiền đâu”. Nghe ra chí lý lắm. Sau cuộc họp ấy, Sang lẳng lặng làm theo. 

Chừng mươi ngày sau, Sang điện thoại cho tôi: “Cậu có thể tìm giúp tớ người giúp việc nào khoảng chừng ngoài 60?”. Ủa sao lại tìm người cao niên thế này? Ngạc nhiên quá. Dù không hỏi nhưng đoán biết thắc mắc này, anh bạn cười khì: “Chẳng qua bà xã tớ cứ lo xa là biết đâu thuê phải Osin trẻ đẹp mà tớ “trở chứng”, không khéo hao tiền mà lại mất cả tình. Cậu thấy sao?”. 

Tôi chỉ còn có nước phải há miệng ra nói ngay: “Bà xã cậu sáng suốt lắm”.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.