Nâng cao văn hóa đọc từ những thư viện mở
Giờ ra chơi, trên các thảm cỏ xanh, sàn trải thảm sạch sẽ… tại nhiều trường học trên địa bàn TP. Vũng Tàu, các em HS thoải mái ngồi, nằm đọc sách. Không gian đọc sách đó được HS gọi là thư viện xanh, thư viện thân thiện. Mô hình này góp phần phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường.
Học sinh Trường THCS Nguyễn An Ninh vây quanh xe thư viện xanh trong giờ ra chơi. |
HỌC SINH TÌM ĐẾN SÁCH
Tại Trường THCS Nguyễn An Ninh, không gian đọc sách được bố trí ngoài trời, ngay gần cổng trường. Trên thảm cỏ nhân tạo, một nhóm HS đang trao đổi về lịch sử địa phương và đặt câu hỏi để bạn trong nhóm trả lời. HS Nguyễn Triều Nguyên, lớp 77 cho biết: “Em rất thích ngồi ở đây để đọc sách, ôn bài và trao đổi bài với các bạn. Giờ tan học, trong khi chờ ba mẹ đón, em cũng ngồi đây đọc sách”.
Không gian đọc sách của Trường THCS Nguyễn An Ninh được HS gọi là thư viện mở. Ngoài thư viện mở, trường còn có “xe thư viện xanh”. Đó là chiếc kệ inox 2 tầng có gắn bánh xe, mang theo những cuốn sách, truyện. Kệ sách được cô thủ thư đưa ra sân trường mỗi giờ ra chơi. Thấy xe thư viện xanh xuất hiện là các HS ùa đến, nhận sách và ngồi đọc ngay dưới tán cây xanh mát, rồi lại xếp sách lên kệ khi tiếng trống điểm giờ chơi đã hết.
Cô Lê Thị Thúy Hằng, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn An Ninh cho hay, xe thư viện xanh được đưa vào hoạt động từ năm học 2017-2018 và được HS hồ hởi đón nhận. Năm học 2018-2019, nhà trường tiếp tục làm thư viện mở ngay trong sân trường và thư viện thân thiện trên tầng 2. Không gian thư viện thân thiện được bố trí như một quán trà sữa, phù hợp với tâm lý và sở thích của lứa tuổi thiếu niên. Em Đỗ Ngọc Thanh Hà, lớp 83 giới thiệu: “Nếu cần tìm sách khoa học, truyện Nguyễn Nhật Ánh, em sẽ tới thư viện thân thiện. Còn muốn ôn bài, em sẽ ra thư viện mở, khi cần đọc truyện tranh, em tìm đến xe thư viện xanh”.
Hưởng ứng phong trào xây dựng CLB yêu sách trong trường học do Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu phát động, Trường TH Hạ Long đã triển khai mô hình thư viện thân thiện. Sàn thư viện được trải thảm màu xanh. Giờ ra chơi, nhiều HS ngồi trên ghế hoặc nằm trên sàn đọc sách. Cô Ninh Lam Đài Trang, thủ thư Trường TH Hạ Long cho biết, mỗi giờ ra chơi, có khoảng 40-50 HS vào thư viện này. Mỗi tháng một lần, thư viện lại tổ chức chiếu phim tài liệu về TP. Vũng Tàu, về quê hương, đất nước, hướng dẫn kỹ năng sống… cho HS. Ngoài ra, thư viện còn giới thiệu những cuốn sách có nội dung liên quan đến các phim tài liệu để các em tham khảo. Hình thức này giúp HS bổ sung thêm kiến thức.
Trong khi đó, Trường THCS Duy Tân có đường sách; trường TH Trưng Vương có mô hình CLB đọc sách kết hợp với đội phát thanh Măng Non với những câu chuyện kể từ sách. Ngoài ra, nhiều trường học khác còn có mô hình thư viên thông minh, thư viện trong sân trường. Những mô hình thư viện đọc sách tại trường đã được sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh HS, do chính phụ huynh tự thiết kế.
NÂNG CAO VĂN HÓA ĐỌC
Theo chị Đặng Thị Mai Thương, Chủ tịch Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu, để HS quan tâm hơn đến văn hóa đọc, tạo sân chơi cho các đội viên yêu thích đọc sách, từ năm học 2018-2019, Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu đã phát động thành lập các CLB yêu sách tại 41 liên đội TH, THCS. Ngay sau khi phát động, các trường đã nhiệt tình hưởng ứng, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, sáng tạo nhằm thu hút HS đến với sách.
Để nguồn sách tại các thư viện trường học thêm phong phú, bên cạnh nguồn sách do thư viện thành phố luân chuyển, các liên đội cũng tổ chức quyên góp sách, trao đổi sách từ chính các em HS. Những thư viện trường học hoạt động theo mô hình không gian mở đã khiến HS thích thú, tự tìm đến với sách, qua đó thêm yêu đọc sách hơn.
Bên cạnh đó, hàng tháng, Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu còn kết hợp với Đường sách Vũng Tàu tổ chức sân chơi cho các em, như: ngày hội các CLB sách, viết cảm nhận về sách, câu chuyện của sách… Mỗi chương trình thu hút hàng trăm lượt HS tham gia. “Thời gian tới, Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu tiếp tục duy trì các sân chơi, như: Câu chuyện của sách, sân chơi tương tác với sách, nhân rộng những mô hình thư viện xanh, thư viện thân thiện; tổ chức hội thi, tọa đàm giới thiệu sách hay phù hợp lứa tuổi HS… Qua đó, HS thêm yêu văn hóa đọc, có cơ hội thể hiện năng khiếu, hiểu biết của bản thân thông qua việc đọc sách”, chị Mai Thương nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MINH THANH