.

Bỏ chính sách miễn học phí sư phạm: Điều tất yếu khách quan

Cập nhật: 17:43, 11/01/2019 (GMT+7)

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã đề xuất nhiều chính sách mới với học sinh (HS) và sinh viên (SV) sư phạm. Trong đó, thông tin đáng lưu ý là việc bãi bỏ chính sách miễn học phí cho SV ngành sư phạm.

Sinh viên lớp Trung cấp Mầm non, Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong học phần “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”. Ảnh: NGUYỄN KIÊN
Sinh viên lớp Trung cấp Mầm non, Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong học phần “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”. Ảnh: NGUYỄN KIÊN

THAY ĐỔI CÁCH HỖ TRỢ

Bộ GD-ĐT khẳng định, việc miễn, giảm học phí là một trong những lý do thu hút SV ngành sư phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là một bộ phận SV chưa thực sự phù hợp với ngành và chính sách này chưa thu hút được HS giỏi đăng ký vào ngành sư phạm. Ngoài ra, sau khi ra trường, nhiều SV sư phạm đã chuyển sang làm việc ở ngành nghề, lĩnh vực khác, dẫn tới lãng phí ngân sách nhà nước.

Để điều chỉnh những bất cập này, cuối năm 2018, Bộ GD-ĐT đã đề xuất dự thảo bãi bỏ chính sách miễn học phí với SV sư phạm, thay vào đó là cấp học bổng, ưu tiên trong tín dụng cho SV thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. Các khoản vay tín dụng bao gồm: Học phí (Mức vay bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi SV theo học); sinh hoạt phí (định mức: 3-3,5 triệu đồng/tháng/SV và thời gian vay không quá 10 tháng/năm học). SV ra trường làm viẹc trong ngành sư phạm tối thiểu 5 năm sẽ không phải trả khoản tín dụng học phí và sinh hoạt phí. Nếu trong vòng 2 năm sau khi ra trường, SV không làm việc trong ngành sư phạm sẽ phải hoàn trả các khoản vay này trong vòng năm tiếp theo. SV ra trường có làm việc trong ngành sư phạm, nhưng thời gian công tác trong ngành chưa đủ 5 năm cũng sẽ phải hoàn trả các khoản vay này.

MIỄN HỌC PHÍ LÀ CHƯA ĐỦ

Thầy Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT khẳng định: “Theo tôi, bãi bỏ chính sách miễn học phí cho SV ngành sư phạm là phù hợp với thực tế hiện nay và không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường”. Theo thầy Hạnh, ban đầu, chính sách miễn học phí nhằm mục tiêu thu hút một bộ phận HS giỏi, con em trong các gia đình khó khăn, ở vùng nông thôn vào học ngành sư phạm. Nhưng thực tế hiện nay, chính sách này đã không còn phù hợp. Bởi, không phải hầu hết SV học sư phạm xuất thân trong các gia đình khó khăn. “Mỗi năm, Trường CĐ Sư phạm BR-VT đào tạo khoảng 1.200 SV các ngành, các khóa. Nếu như các năm trước có khoảng 50% SV khó khăn, ở xa đăng ký ở ký túc xá thì hiện nay, con số này chỉ còn 30%. Đa phần SV được gia đình trang bị phương tiện đi lại, cung cấp chi phí ở trọ… Với chính sách mới đề xuất, những SV khó khăn được hưởng hỗ trợ vay vốn cũng có thể trang trải học phí, sinh hoạt phí để học tập”, thầy Hạnh nói.

Hiện nay, thu nhập của giáo viên, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học còn thấp nên chưa bảo đảm đời sống cho giáo viên. Ảnh: KHÁNH CHI
Hiện nay, thu nhập của giáo viên, đặc biệt là ở bậc mầm non và tiểu học còn thấp nên chưa bảo đảm đời sống cho giáo viên. Ảnh: KHÁNH CHI

Theo khảo sát của chúng tôi tại một số trường THPT, nhiều HS dự định đăng ký ngành sư phạm cũng khẳng định, miễn học phí không phải là tiêu chí mang tính quyết định để các em lựa chọn ngành sư phạm. Cuối năm học này, em Lê Phương Uyên, HS lớp 12A2, Trường THPT Trần Hưng Đạo (TX. Phú Mỹ) dự kiến đăng ký dự thi ngành sư phạm Toán của Trường CĐ Sư phạm BR-VT. Uyên cho biết, từ nhỏ em đã mơ ước được làm cô giáo và gia đình rất ủng hộ. “Mong muốn của em là sau khi ra trường được làm nghề mình học và yêu thích. Trong quá trình học, nếu không phải đóng học phí thì đỡ một phần chi phí học tập. Song, nếu phải đóng học phí thì em vẫn chọn học ngành sư phạm, chứ không đổi sang học ngành khác”, Uyên khẳng định. Tương tự, một số HS khác cũng cho biết, nếu học sư phạm không còn được miễn học phí thì gia đình vẫn có thể tạo điều kiện cho các em theo học.

Cô Nguyễn Thị Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu) lại có quan điểm khác khi cho rằng không nên bãi bỏ chính sách miễn học phí cho SV sư phạm vì đây là chính sách đặc thù trong đào tạo, tạo sức hút ngay từ đầu vào của ngành. Bên cạnh đó, việc được miễn học phí giúp SV có tâm lý thoải mái, bớt áp lực hơn nhiều so với việc vay vốn tín dụng. Song song với chính sách miễn học phí, cũng cần siết chặt quản lý đối tượng được hưởng chính sách này để tránh lãng phí. Theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, SV phải cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo. Nếu không thực hiện cam kết phục vụ trong ngành, SV sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền đã được miễn trong thời gian học tại trường.

Sinh viên lớp Trung cấp Mầm non, Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong học phần “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”.  Ảnh: NGUYỄN KIÊN
Sinh viên lớp Trung cấp Mầm non, Trường CĐ Sư phạm BR-VT trong học phần “Múa và phương pháp hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc”. Ảnh: NGUYỄN KIÊN

MẤU CHỐT LÀ GIẢI QUYẾT “ĐẦU RA”

Theo các cán bộ quản lý giáo dục, GV, HS, để tăng sức hấp dẫn của ngành sư phạm, đặc biệt là thu hút được những SV giỏi theo học và gắn bó với ngành, cần có giải pháp, cơ chế đồng bộ từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Thầy Đinh Ngọc Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho rằng, nhà nước cần phải thay đổi nhiều chính sách. Trong đó, các trường sư phạm chỉ nên đào tạo số lượng SV phù hợp với nhu cầu để khi ra trường các em có việc làm ngay. Mặt khác, mức lương dành cho GV (nhất là bậc tiểu học và mầm non) còn thấp, chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn và thời gian làm việc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc HS giỏi không mặn mà chọn học ngành sư phạm. Để khắc phục, nhà nước cần cải thiện chính sách tiền lương cho GV. Có như vậy, các trường sư phạm mới thu hút được HS giỏi vào học. 

Để tạo sức hấp dẫn cho ngành, nhà nước cần có chính sách riêng cho các trường sư phạm nhằm bảo đảm SV được học tập trong môi trường tốt nhất, với đội ngũ giảng viên chất lượng, cơ sở vật chất hiện đại... Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có cơ chế tuyển dụng cho SV ngành sư phạm. Bởi, so với ngành khác, cơ hội tìm được việc làm trái nghề của SV sư phạm rất khó khăn. Do đó, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đưa ra các phương án tuyển dụng phù hợp để SV học sư phạm ra trường có việc làm ngay và làm đúng nghề đã được học.
(Thầy Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm BR-VT)

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cũng cho rằng, tình trạng hàng ngàn GV mất việc do tinh giản biên chế trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý HS và gia đình, khiến HS e ngại khi lựa chọn ngành sư phạm. Vì vậy, dù có miễn học phí mà khi ra trường không bảo đảm được việc làm thì cũng không ai dám theo đuổi và gắn bó với ngành. Điều quan trọng là phải giải quyết thấu đáo “đầu ra” cho SV sư phạm để các em được làm việc đúng chuyên ngành đào tạo, với thu nhập ổn định. Một khi vấn đề này được giải quyết thì ngành sư phạm sẽ tự tạo được sức hút cho mình. 

Một GV khác ở TP. Vũng Tàu thì “hiến kế” cần có những cơ chế đặc thù cho SV sau khi tốt nghiệp như: SV giỏi, xuất sắc khi ra trường được đặc cách xét tuyển viên chức giáo dục, được tuyển thẳng về trường theo nguyện vọng... Có như vậy, ngành sư phạm mới đủ sức hấp dẫn và khuyến khích được HS giỏi đăng ký theo học và yên tâm cống hiến cho ngành giáo dục.

HOÀNG HƯỜNG - KHÁNH CHI

 
.
.
.