.
HUYỆN CHÂU ĐỨC

Trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh: Nơi khơi dậy kỹ năng cho trẻ khuyết tật

Cập nhật: 18:14, 04/01/2019 (GMT+7)

Được thành lập từ năm 1994, trong suốt 24 năm qua, Trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh (ấp Đông Linh, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trở thành mái ấm của nhiều em nhỏ khiếm khuyết cả về cơ thể lẫn trí óc. Tại đây, tình yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của những thầy, cô giáo đã khơi dậy kỹ năng sinh hoạt, học tập giúp các em sống vui, cải thiện tình trạng sức khỏe và trí tuệ.

Các cô và trò ở Trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trong giờ học chữ.
Các cô và trò ở Trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) trong giờ học chữ.

KIÊN TRÌ DẠY DỖ, LUYỆN TẬP CHO TRẺ

Chúng tôi ghé thăm Trường Khuyết tật trí tuệ tư thục Mai Linh (gọi tắt là Trường Mai Linh) vào những ngày đầu năm mới 2019. Trong các lớp học, các cô trò đang mãi mê dạy và học. Có lớp, các bé ê…a… tập đọc, có lớp thì giáo viên phải cầm tay từng bé nắn nót con chữ. Những lời chào lễ phép, ngoan ngoãn và nụ cười thân thương của các em khi có khách tới thăm trường, khiến chúng tôi không khỏi xúc động, cảm nhận được nỗi vất vả, nỗ lực của các cô giáo ở đây.

Cô Nguyễn Thị Bích Như, Hiệu trưởng Trường Mai Linh cho biết, trường hiện đang nhận chăm sóc và dạy hơn 80 trẻ khuyết tật từ 3-14 tuổi. Đa số các em có những khuyết tật bẩm sinh như thiểu năng trí tuệ, bại não, tăng động, tự kỷ, khiếm thính, bệnh down… Do đó, việc trao đổi thông tin với các em không hề đơn giản, phải thông qua cử chỉ, thậm chí dùng ký hiệu riêng. Tùy theo khả năng nhận thức của các em mà có những bài học phù hợp như tập viết, tập đọc, làm toán, vẽ, kỹ năng tự lực… 

Phần lớn các em trong trường có độ tuổi, mức độ khiếm khuyết và hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là nhút nhát, không thích tiếp cận với những người xung quanh. “Để động viên các em tham gia hoạt động tập thể, các cô giáo ở trường luôn phải rèn luyện tính kiên nhẫn, phải nghĩ ra nhiều trò chơi nhằm giúp các em thoải mái, vui vẻ hơn. Được tham gia nhiều hoạt động thường xuyên, giờ các em đã mạnh dạn hơn rất nhiều”, cô Nguyễn Thị Bích Như cho hay.

Dù mỗi lớp học chỉ khoảng 7-8 em, nhưng các giáo viên không khỏi vất vả. Để dạy các em tự làm được những việc tưởng chừng đơn giản như rửa mặt, đi vệ sinh, thay quần áo, tắm rửa, xếp dọn đồ chơi… các cô phải kiên trì dạy bảo, tập luyện cho các em cả năm mới làm được. Có một số kỹ năng mà các cô giáo phải lặp đi, lặp lại đến cả hàng trăm lần thì các em mới có thể bắt chước được. 

Trong quá trình học tập tại nhà trường, nhờ tình thương, sự tận tâm dạy dỗ của các cô, rất nhiều trẻ khuyết tật đã được khơi dậy kỹ năng cơ bản trong sinh hoạt, học tập, cải thiện sức khỏe cũng như nhận thức. Nhiều em trước khi vào trường không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ, nhưng sau một thời gian đã có thể nói được, một số em đã nhận biết được mặt chữ, biết tô chữ; nhiều em đã đọc, viết và làm được các phép tính đơn giản. Có những em trước đây không thể vận động hay đi lại, nhưng nhờ được tập vật lý trị liệu, các em đã có thể đi lại gần như bình thường. 

CON PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG, MẸ HẠNH PHÚC

“Tiếng lành đồn xa”, nhà trường không chỉ tiếp nhận trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện Châu Đức, mà còn có nhiều gia đình ở các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TX.Phú Mỹ (BR-VT), huyện Long Khánh (Đồng Nai)... cũng tìm tới đây để gửi con em của mình.

Chị Hoàng Thị Thái (xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết, con trai chị năm nay đã 10 tuổi, bé bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ nên các sinh hoạt cá nhân, nói chuyện, giao tiếp gặp rất nhiều khó khăn. Được người quen giới thiệu, cách đây 2 năm, chị Thái đã đưa con tới Trường Mai Linh học. Qua thời gian học tập ở đây, con trai chị đã có nhiều chuyển biến về nhận thức, như: biết đánh vần ê… a…, biết đọc và viết chữ, viết số... "Các cô ở đây dạy tốt, rất thương các bé. Thấy con nói chuyện được, biết học chữ, biết trả lời điện thoại khi mẹ gọi, tôi rất mừng và cảm thấy hạnh phúc", chị Hoàng Thị Thái xúc động.

Cô Nguyễn Thị Bích Như cho biết, nhà trường hoạt động chủ yếu vào nguồn thu phí của phụ huynh, từ 800 ngàn đồng đến 1,6 triệu đồng/trẻ/tháng. Ngoài ra, nhà trường cũng tiếp nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và tổ chức từ thiện. Đối với những trẻ  gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, sẽ được miễn học phí. Hiện nay, nhà trường có 10 cô giáo. Dù công việc vất vả, thu nhập không cao, nhưng với tấm lòng thiện nguyện, muốn san sẻ với trẻ bị khuyết tật nên các cô giáo luôn tận tụy với nghề. 

Tuy nhiên, điều tâm tư của các giáo viên Trường Mai Linh là khi các em đủ 16 tuổi sẽ phải rời trường để về với gia đình. Khi đó, nếu không có nơi để tiếp tục giúp rèn luyện thêm kỹ năng, không biết cuộc sống sau này của các em sẽ ra sao?. “Chúng tôi mong rằng tới đây, trên địa bàn tỉnh sẽ có trung tâm đào tạo nghề, hay hướng nghiệp riêng cho người khuyết tật vị thành niên, để các em sau khi rời Trường Mai Linh, hoặc các cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật khác, sẽ tiếp tục có nơi để theo học nghề, tham gia lao động, sản xuất, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”, cô Nguyễn Thị Bích Như kỳ vọng.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

.
.
.