Với nhiều gia đình, cứ hễ đến Tết là mọi thứ mua sắm, nấu nướng thức ăn chuẩn bị Tết đều “ưu tiên” dành cho phụ nữ, vì thế nhiều bà nội trợ than thầm: “Tết ơi là Tết”. Nếu khoảng thời gian đó, người chồng biết hạn chế các cuộc liên hoan thì có lẽ sẽ giúp cho vợ được nhiều lắm.
Cô Ngọc, em gái tôi qua nhà “méc”: “Nhờ anh chị nói giúp với chồng em một tiếng, chứ như thế này, em hết chịu nổi rồi”. Tôi há hốc ngạc nhiên: “Hắn ta lăng nhăng mèo mỡ gì à?”. “Không phải, dạo này anh ấy suốt ngày tiệc tùng tất niên”. Tôi bật cười: “À, ra thế”.
Thử liệt kê xem sao: Ở công sở, cơ quan ắt có “tổng kết cuối năm”, không những thế, ngay cả anh em bồ tèo chung phòng, ban còn “kết sổ” thêm đợt nữa. Rồi đồng nghiệp xa gần, bà con hàng xóm cùng tổ dân phố cũng í ới réo gọi, mời mọc. Lại còn chuyện “ơn nghĩa” trong năm thì đây là dịp ăn nhậu một bữa xôm trò như thay lời cám ơn… Có lúc mình mời thiên hạ và ngược lại họ mời mình, “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Sự giao tế này, khó có thể bỏ qua lắm. Nhiều người tặc lưỡi: “Cuối năm rồi, thôi kệ, phải có mặt chung vui, phải tham dự để giữ mối quan hệ vậy”.
Có lẽ cũng suy nghĩ thế, chồng của Ngọc-em rể tôi “sáng xỉn, chiều say, sáng mai say tiếp” khiến cô vợ kêu trời là phải rồi. Ngày thường không sao nhưng cuối năm lại khác, biết bao nhiêu thứ mà vợ chồng phải tính toán, phải lo toan, bàn bạc cùng nhau. Chẳng hạn, Tết này mua sắm những gì, nhà cửa sơn phết ra sao, quét dọn thế nào cho hên, mấy ngày nghỉ Tết vợ chồng con cái về quê hay làm một chuyến du lịch chăng?
Thế mà, “nửa này” vác xác đi mãi đến khuya mới về, mà về nhà trong trạng thái “lắc lư con tàu đi”, thử hỏi làm sao “nửa kia” chịu nổi? Thế là họ cãi lộn nhau. Cuối cùng khó có thể giải quyết rốt ráo, lý lẽ của vợ/chồng đều chính đáng cả. Cậu em rể tôi phân trần: “Đấy, anh xem, bao nhiêu là mối quan hệ, chẳng lẽ họ mời mà mình từ chối thì coi sao được? Phải cố thôi”.
Do suy nghĩ đó, nhiều người phải “tình thương mến thương” với đồng nghiệp, đối tác làm ăn. Họ có mặt “trên từng cây số” nên chưa đến Tết mà đã… ngã bệnh. Ngày nào cũng bia bọt “mát trời ông Địa”, ăn uống vô tội vạ, ngủ nghỉ tùy hứng thì dẫu khỏe như vâm cũng đến lúc “sụm bà chè”.
Mà đâu phải các đấng mày râu phải lâm vào các cuộc “chinh chiến” này, ngay cả người phụ nữ cũng thế thôi. Họ cũng có nhiều mối quan hệ nên không thể thiếu mặt trong những cuộc họp mặt cuối năm. Từ chối khó lắm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chị Huyền, tôi ngẫm lại thấy đúng. Chị tâm sự: “Ngày thường, việc ai nấy lo, mấy khi có dịp “tám” cùng nhau nên dịp tất niên là vui lắm. Nhưng khổ nổi, cuối năm ở nhà còn ngổn ngang biết bao việc”. Tôi ngắt lời: “Đúng rồi. Vậy chị giải quyết ra làm sao?”. Chị cười rổn rảng: “Cuộc liên hoan nào, tôi cũng dẫn bé nhóc đi theo. Lấy cớ phải đưa con về sớm, đường xa nên không bị ai ép uống thứ có chất men. Rồi dặn con là đúng vào giờ đó phải níu áo mẹ đòi về, mình lấy cớ đó về trước mà bạn bè không níu kéo phải ngồi đến tàn cuộc”.
Cách “xử lý” này hợp lý quá đi chứ? Đúng thế, nhiều anh bạn tôi cũng sử dụng “chiêu” này, hễ đến giờ đã hẹn trước thì y như rằng điện thoại của vợ, con liên tục réo rắt. Lấy cớ chính đáng ấy, “lặn” luôn một hơi mà người khác dễ dàng thông cảm. Phải thế thôi, vui thì vui nhưng sức khỏe không cho phép thì cố làm gì?
Hầu hết, các cuộc liên hoan cuối năm chỉ nhằm mục đích “vui là chính” nhưng vắng là không được. “Lễ nghi” nó vốn thế. Mà khổ nỗi, các cuộc ăn nhậu đó diễn ra dồn dập, liên tiếp nhiều ngày liền, vậy có lẽ sự khôn ngoan nhất vẫn là tự hỏi sức khỏe của chính mình. Nếu nể nang, chiều theo mọi người, đến lúc phải ngã bệnh thì khổ cho ai?
Câu hỏi ấy không hề vu vơ chút nào, bạn bè tôi nhiều người cho biết do tâm lý “tổng kết cuối năm” nên sẵn sàng “ai kêu tôi đó, có tôi đây”. Vì thế, lúc sang năm mới, thiên hạ hào hứng vui xuân đón Tết, còn mình nằm chèo queo một chỗ vì bệnh. Lúc ấy, mới thấy rằng, dịp họp mặt ăn nhậu cuối năm là vui nhưng phải biết cách hạn chế. Có như thế, mới thật sự vui lâu dài, nếu không, vui đâu chưa thấy lại rầu cho chính mình và người thân của mình nữa.
LÊ MINH QUỐC