Việt Nam tiến bộ ấn tượng về giảm nghèo

Thứ Năm, 20/12/2018, 08:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam đã giảm đáng kể từ 15,9% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2016 với khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo. Song, khoảng cách nghèo giữa các vùng miền và các nhóm dân tộc vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện thành công Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Đại diện chính quyền và các nhà tài trợ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Trần Thị Sao thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, khó khăn về nhà ở tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MẠNH THẮNG
Đại diện chính quyền và các nhà tài trợ bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Trần Thị Sao thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, khó khăn về nhà ở tại phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu. Ảnh: MẠNH THẮNG

Đây là một trong những nội dung chính của Báo cáo phân tích về Nghèo đa chiều ở Việt Nam: “Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để bảo đảm cuộc sống có chất lượng cho mọi người” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa công bố sáng 19-12 tại Hà Nội.

Báo cáo cũng khẳng định những tiến bộ ấn tượng của Việt Nam trong việc thực hiện SDG1 (về giảm nghèo). Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, mục tiêu phát triển bền vững số một về giảm nghèo có khả năng đạt được cao nhất. Trong năm 2018, thành tích về giảm nghèo đã giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số SDG, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

Nhận thức được vai trò của các yếu tố khác ngoài thu nhập đối với chất lượng cuộc sống của người dân, năm 2015, Chính phủ đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập theo đo lường đa chiều. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều trong quá trình thực hiện SDG1.

Mặc dù đạt được thành tựu lớn về giảm nghèo nhưng tại Việt Nam, nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều, ví dụ tỷ lệ của dân tộc H’Mong là 76,2%, Dao 37,5% và Khmer 23,7%.

Khoảng cách nghèo đói theo các chiều về chi tiêu, thu nhập, giáo dục và tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh giữa dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu 2012-2016. Báo cáo cũng cho thấy các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật được tiếp cận ít hơn so với cơ hội giáo dục và việc làm so với mức trung bình của cả nước.

Theo bà Caitlin Wiesen, quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Việt Nam có thể tiếp tục giảm nghèo thành công hay không phụ thuộc vào khả năng bảo đảm tăng trưởng bao trùm tạo công ăn việc làm tốt hơn cho người dân và hỗ trợ hiệu quả những người bị bỏ lại xa nhất.

Các chuyên gia kiến nghị, để có thể giảm bớt khoảng cách nghèo giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội, bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát... cần tập trung tăng cường năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và phát triển thị trường.

HỒNG KIỀU

;
.