Đừng coi thường những cơn đau ở khớp gối sau chấn thương

Thứ Tư, 19/12/2018, 17:07 [GMT+7]
In bài này
.

Tổn thương dây chằng chéo khớp gối nói chung và dây chằng chéo trước (DCCT) khớp gối nói riêng có thể xảy ra do hoạt động thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Những cơn đau do tổn thương này có thể tự giảm nhưng khi vận động mạnh lại tái phát. Đó là những biểu hiện không thể xem thường.

Một ca phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân tại Bệnh viện Bà Rịa.
Một ca phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bằng gân tự thân tại Bệnh viện Bà Rịa.

ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI ĐẾN KHẢ NĂNG VẬN ĐỘNG

Theo các bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH), tổn thương dây chằng gây ra tình trạng lỏng khớp gối, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ làm khớp gối sớm bị thoái hóa. Sự tổn thương của các cấu trúc trong khớp như sụn chêm, sụn khớp, xương dưới sụn… gây đau đớn, vận động khó khăn. Khi bị đứt dây chằng, khớp gối bị sưng, đau trong vài tuần đầu, sau đó tự giảm dần. Tuy nhiên, một số trường hợp bị tổn thương dây chằng vẫn có thể đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì khớp gối lại sưng đau. Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến teo cơ đùi, khó khăn trong đi lại.

Nguy hiểm hơn, khi khớp gối đã bị thoái hóa nặng thì không thể phẫu thuật tái tạo dây chằng và phải phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính xác tỷ lệ tổn thương dây chằng khớp gối, nhưng với tình hình tai nạn giao thông, tai nạn lao động như hiện nay cho thấy tỷ lệ này khá cao. Như tại bệnh viện Bà Rịa, hàng năm Khoa CTCH tiếp nhận và phẫu thuật nội soi trên 100 ca tái tạo DCCT khớp gối và kết quả sau hậu phẫu đều tốt.

CAN THIỆP SỚM BẰNG GIẢI PHÁP GÌ?

Từ năm 2015, Bệnh viện Bà Rịa đã tiếp nhận và triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây DCCT khớp gối bằng gân tự thân. Ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT khớp gối bằng gân tự thân là kỹ thuật tiên tiến, được thực hiện bằng cách lấy gân cơ bán gân và gân cơ bán màng ở vùng gối đưa vào tái tạo thay thế cho dây chằng chéo bị đứt. Việc Bệnh viện Bà Rịa triển khai thành công kỹ thuật này đã giúp nhiều người bệnh tại địa phương được chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết Sương (34 tuổi, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức). Chị Sương nhập viện sau tai nạn giao thông. Kết quả khám lâm sàng, chụp MRI bệnh nhân bị tổn thương DCCT khớp gối và đã được y bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn, kỹ thuật cao của Bệnh viện Bà Rịa tiến hành phẫu thuật nội soi tái tạo DCCT khớp gối bằng gân tự thân. Sau 2 ngày phẫu thuật chị Sương biết: “Ca phẫu thuật khá nhẹ nhàng, vết mổ nhỏ và kết thúc nhanh chóng. Trong phòng mổ, tôi có thể thấy rõ các thành phần bên trong khớp gối của mình trên màn hình nội soi. Vết mổ cũng không để lại vết sẹo quá lớn ở chân”.

Còn anh Phạm Quang Huy (25 tuổi, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) bị chấn thương khớp gối cách đây gần một năm, trong một tình huống va chạm trên sân bóng. “Lúc đó đầu gối chân trái tôi rất đau, sau vài ngày giảm bớt, đi lại được nhưng không thể chạy được như trước. Bạn bè có khuyên đi khám sớm nhưng tôi cứ chần chừ. Gần đây tôi thấy việc đi lại khó khăn hơn nên đi khám. Qua khám lâm sàng, chụp MRI bác sĩ kết luận tôi bị đứt DCCT khớp gối. Phẫu thuật gối xong vài ngày tôi đã đi lại được”, anh Huy chia sẻ.

Việc ứng dụng và thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối, đặc biệt là DCCT khớp gối bằng gân tự thân, Bệnh viện Bà Rịa ngày càng thu hút số lượng bệnh nhân lưu tại Khoa CTCH để điều trị. Cụ thể, năm 2015, Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận có 3-4 ca/tháng, nhưng 2 năm gần đây số lượng bệnh tăng lên từ 15 ca/tháng, gấp 3-5 lần so với những năm đầu.

Là người trực tiếp phẫu thuật nhiều ca bị tổn thương DCCT khớp gối bằng phương pháp nội soi, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa CTCH, Bệnh viện Bà Rịa cho hay: Phẫu thuật nội soi tái tạo DCC là kỹ thuật ít xâm lấn, hậu phẫu ít đau hơn, ít để biến chứng so với mổ hở và rút ngắn thời gian nằm viện. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao về chức năng vận động khớp, bệnh nhân đi lại vững hơn và có tính thẩm mỹ cao so với mổ hở. Với trường hợp thể trạng tốt kết hợp với tập luyện hồi phục đúng phương pháp, sau một thời gian bệnh nhân có thể chơi thể thao lại bình thường.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp tổn thương dây chằng chéo khớp gối đều cần can thiệp phẫu thuật. Tùy vào tình trạng khớp gối, loại dây chằng bị tổn thương, độ tuổi, nhu cầu vận động… mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phẫu thuật hay điều trị bảo tồn. 

Bài, ảnh: HOA VIỆT

;
.