Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang từng bước giúp các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành; thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC), rút ngắn khoảng cách giữa bộ máy Nhà nước với người dân và DN.
Sở TN-MT đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng để xử lý hồ sơ đất đai, giúp rút ngắn thời gian, giảm bớt việc đi lại của người dân và DN. |
Tại bộ phận một cửa UBND TP. Bà Rịa, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ tại 95 Hùng Vương, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) đang làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản. Chị Trúc cho biết, trước đây, để làm thủ tục này chị phải xếp hàng chờ đợi, nhờ nhân viên hướng dẫn thủ tục, photo các loại giấy tờ cần thiết… Sau đó, phải mất đến 2-3 ngày chị mới hoàn thành các thủ tục này. Nhưng bây giờ, tất cả các bước hướng dẫn, giấy tờ, chứng từ cần thiết để làm thủ tục đăng ký thế chấp tài sản đã có sẵn trên cổng thông tin điện tử của TP. Bà Rịa, người dân có thể xem và chuẩn bị trước. Ngày trong tuần, vào giờ hành chính, chị Trúc chỉ cần đến bộ phận một cửa TP. Bà Rịa nhấn nút lấy số thứ tự, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ là thủ tục đăng ký thế chấp của chị đã hoàn thành.
Trong khi đó, tại bộ phận “một cửa” cấp tỉnh, nhiều người dân và DN cũng rất dễ dàng thực hiện các TTHC mà không phải chạy tới chạy lui qua các sở, ngành. Bà Trần Thị Mỹ Linh, đại diện Công ty Kim Tơ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, cách đây không lâu bà đến quầy giao dịch của Sở KH-ĐT làm hồ sơ chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh. Vừa rời khỏi quầy giao dịch, bà liền nhận được tin nhắn thông báo về thời gian trả kết quả. Bà Linh cho biết: “Tôi có thể lên trang dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ của mình, biết hồ sơ của tôi đang được giải quyết ở bộ phận nào, thuộc đơn vị nào… Tất cả điều đó đều rất thuận lợi”.
Một trong những lĩnh vực nhiều hồ sơ, thủ tục nhất là lĩnh vực đất đai, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khoáng sản… thời gian trước luôn là nỗi ám ảnh của DN thì nay mọi việc đã đơn giản hơn khi ngành TN-MT đưa vào nhiều giải pháp về CNTT trong cải cách TTHC. Cụ thể, cuối tháng 8 vừa qua, Sở TN-MT phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện đề án “Triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích”. Bà Vũ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, các hồ sơ liên quan đến lĩnh vực TN-MT rất chi tiết và nhiều thủ tục. Nhưng nhờ cách làm khoa học, việc áp dụng giải quyết TTHC trực tuyến được xử lý nhanh gọn nên giảm bớt thời gian đi lại cho người dân và DN. Cụ thể, quy trình trong việc tiếp nhận hồ sơ, nhân viên bưu điện có trách nhiệm kiểm tra thủ tục hồ sơ theo danh mục, hướng dẫn khách hàng thiết lập hồ sơ và truy cập trang đăng ký trực tuyến của Sở TN-MT nhập thông tin hồ sơ theo yêu cầu, in đơn đề nghị cho khách hàng ký tên, thu lệ phí và phí dịch vụ theo quy định, scan các giấy tờ liên quan chuyển về Bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của Sở TN-MT theo quy định… Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở TN-MT sẽ xác nhận trên hệ thống phần mềm và nhân viên bưu điện sẽ cập nhật, xác nhận chuyển phát thành công trên hệ thống. Sau khi có kết quả giải quyết hồ sơ, Sở TN-MT có trách nhiệm phê duyệt trên phần mềm cho khách hàng tiện theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ. Cuối cùng, bưu điện theo dõi để nhận kết quả hồ sơ và chuyển trả về tại địa chỉ của khách hàng đối với trường hợp khách hàng có yêu cầu chuyển phát qua bưu điện…
Những ví dụ trên đã cho thấy, sự tiện lợi mà việc ứng dụng CNTT mang lại cho lĩnh vực CCHC. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hạ tầng CNTT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Theo ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT, phần lớn máy chủ, thiết bị CNTT của các cơ quan, đơn vị được đầu tư từ năm 2004 nay đã hư hỏng, xuống cấp và lạc hậu, không còn phù hợp với xu thế phát triển của CNTT. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có máy tính sử dụng đạt thấp, với khoảng 56% có máy tính sử dụng trong công việc. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước còn rời rạc, chưa liên thông và tích hợp dữ liệu với nhau. Nhiều trang thông tin điện tử (website) cơ quan Nhà nước còn mang tính hình thức, chưa thực sự là kênh thông tin giao tiếp giữa chính quyền và người dân, DN.
Do đó, để khắc phục những hạn chế trên và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình hành động về đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Theo đó, mục tiêu chung của tỉnh là đổi mới công nghệ và cung ứng dịch vụ CNTT rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, hơn 70% dịch vụ hành chính công của các cơ quan Nhà nước sẽ được cung cấp trên môi trường mạng ở mức độ 3 và mức độ 4; 100% các văn bản, tài liệu trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử… Để đạt được mục tiêu này, tỉnh BR-VT đang tập trung thực hiện theo 8 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào giải pháp đổi mới nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc ứng dụng, phát triển CNTT và xây dựng hạ tầng thông tin của tỉnh đồng bộ, hiện đại.
Bài, ảnh: QUANG VŨ