Quả ngọt
Minh họa MINH SƠN |
Chiều cuối tuần, tôi sang chơi nhà chị Huyền đúng lúc chị đang chuẩn bị bữa tối để cha con đi chơi thể thao về là cả nhà ăn cơm. Cu Nam về trước vì tập bóng rổ gần nhà. Nam tự dắt xe để gọn vào vị trí rồi chào mẹ, chào khách bằng thái độ lễ phép. Bé liến thoắng kể đủ chuyện: “Mẹ ơi, hôm nay con viết bài văn về mẹ được 9 điểm đấy”, “Hôm nay tụi con không thắng nhưng con đã ghi 1 bàn đó mẹ”. Chị Huyền thì liên tục khen, động viên con và giục con đi tắm. Chị nói nhỏ: “Quả ngọt của chị đó”.
Chơi thân với nhau, nên tôi biết, Nam không phải là con đẻ của chị Huyền. Vợ chồng chị Huyền lấy nhau, chỉ có cô con gái tên Ngọc, giờ đã đi du học ở Pháp. Khi Ngọc đang học lớp 8, chồng chị bế thằng bé về, nói đó là con anh, mẹ nó bỏ lại cho anh nuôi, vì anh từ chối ly dị vợ để đến với mẹ thằng bé. Anh hết lời xin lỗi, giải thích rằng anh chỉ muốn có một đứa con trai để thờ cúng tổ tiên, trong khi anh chị chỉ có duy nhất mụn con gái nên anh đã mắc sai lầm.
Bao hờn trách, giận dỗi rồi cũng qua. Nhìn thằng bé mới hơn tháng tuổi đã thiếu hơi mẹ, chị không đành lòng. Chị bỏ qua những lời đàm tiếu, can ngăn của người thân, bạn bè rằng “khác máu tanh dòng”, coi chừng nuôi ong tay áo. Chị đón nhận cu Nam, chăm chút từng bình sữa, thức đêm chăm sóc mỗi khi con đau bệnh. Bé Ngọc lúc đầu khóc lóc, giận cha, cự tuyệt với em, nhưng chị trò chuyện với con, rằng đó là máu mủ của con, hãy thương em vì em cũng là một thành viên của gia đình và em không có lỗi. Anh chị chủ động chuyển nhà đến một nơi khác để tránh điều tiếng cho gia đình, cho bé Ngọc và cho cả cu Nam. Chị coi Nam như con ruột. Sau một thời gian, bé Ngọc dần dần nguôi ngoai và chấp nhận rồi hai chị em trở nên rất thân thiết.
Cu Nam giờ đã học lớp 3, rất ngoan ngoãn và nhất mực nghe lời mẹ. Chị Huyền bảo chị yêu thương Nam bằng tình thương của một người mẹ, nên Nam cũng thân thiết và luôn dành trọn tình cảm cho mẹ. Trong mỗi bài văn của con khi tả về gia đình luôn có câu: “Mẹ của con tên là Nguyễn Thị Huyền…”. Trong những bức tranh cu Nam vẽ luôn có đầy đủ 4 thành viên trong nhà. Chị tâm sự: “Ai chẳng ghen tuông, nhưng mình không ghen với một đứa trẻ. Chồng mình cũng đã biết lỗi và quay về, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Còn mình, khi đã chấp nhận bỏ qua lỗi lầm ấy thì đã “lãi” thêm một đứa con. Mình thấy quyết định đón nhận và yêu thương cu Nam như con ruột là điều đúng đắn. Giờ cháu Ngọc đi học xa, ở nhà 2 vợ chồng có cu Nam để làm bạn, để yêu thương và chăm sóc, vui hơn rất nhiều”.
Nhiều người hỏi, sau này chị có cho Nam biết sự thật về mẹ đẻ của cháu hay không? Chị tin rằng mẹ ruột của Nam có nỗi khổ tâm gì đó, nên chưa quay về tìm con. Khi Nam lớn, chị sẽ chọn thời điểm thích hợp nói rõ mọi chuyện để con quyết định có đi tìm mẹ hay không. Còn với chị, mỗi ngày ở bên cu Nam, được con dành cho những vòng tay ôm thật chặt và câu nói: “con yêu mẹ” là đủ.
THẢO NGUYÊN