Cuộc sống tươi mới nơi vùng ven rừng phòng hộ Xuyên Mộc - Bài 2: Đầu tư hạ tầng "mở đường" phát triển
Không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, huyện Xuyên Mộc đã xác định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là khâu đột phá để mở đường cho việc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Hội và Xuyên Mộc.
Bác sĩ của Bộ đội Biên phòng tỉnh khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc). |
HÀNG TRĂM CÔNG TRÌNH ĐƯỢC ĐẦU TƯ
Ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc nhấn mạnh, Đảng bộ và chính quyền huyện luôn xác định, muốn nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trước hết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung xây dựng trường học, hệ thống điện, đường giao thông, chợ… Theo đó, trong những năm qua, đã có hàng trăm công trình được xây dựng. Trong đó, mạng lưới thương mại, chợ đã được phủ kín hầu hết ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và các vùng lân cận. Hệ thống trường học phát triển rộng khắp, học sinh bớt vất vả hơn trước rất nhiều. Mạng lưới y tế cũng được đầu tư đồng bộ nhằm bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
Ông Vũ Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, đến nay Hòa Hội đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phần lớn là các tiêu chí thuộc về cơ sở hạ tầng. Có thể kể đến như tiêu chí giao thông, hiện 100% đường xã và đường trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa; 100% đường trục thôn ấp và đường liên thôn được cứng hóa. Đối với tiêu chí thủy lợi, đã có 99% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu. 99% hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn… Để đạt các tiêu chí này, trong các năm vừa qua, đã có hàng chục tỷ đồng vốn ngân sách được ưu tiên đầu tư cho Hòa Hội.
HS Trường TH Kim Đồng (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) trong giờ học. |
Còn tại xã Xuyên Mộc, tổng nguồn vốn được đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới đã lên tới hơn 342 tỷ đồng. Trong đó, gần 34 tỷ đồng đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến đường giao thông. Hệ thống điện, trường học, trạm y tế, chợ được xây dựng đồng bộ.
TIẾP SỨC CHO NÔNG DÂN
Tham quan các mô hình sản xuất kinh tế tại các xã, chúng tôi nhận thấy, mặc dù đã có hiệu quả bước đầu, nhưng các mô hình sản xuất kinh tế chủ yếu vẫn nhỏ lẻ. Nhiều hộ dân muốn mở rộng đầu tư sản xuất nhưng do thiếu vốn nên vẫn làm ăn theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, do đó chưa bền vững. Ông Trần Quốc Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp trăn trở: “Người dân các xã nông thôn khát vốn như đứa trẻ khát sữa nhưng lại không đủ tự tin để vay vốn. Bởi lẽ, vốn cho nông dân thì phải là đồng vốn dài hạn, ít lãi. Nhưng đa số các hộ dân ở đây muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp như nhà ở, đất ở, tuy nhiên các điều kiện này hầu như không thể đáp ứng bởi họ chưa có sổ đỏ” .
Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại 3 xã: Xuyên Mộc, Hòa Hội và Hòa Hiệp là hết sức quan trọng, đây cũng là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng người dân khiếu nại việc giao khoán đất rừng sản xuất tại Xuyên Mộc. Do đó, Sở KHĐT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Xuyên Mộc và các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại 3 xã nêu trên. Kế hoạch cần nêu rõ nhiệm vụ cụ thể của từng sở, ngành; có sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể; chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế hộ gia đình; ưu tiên đầu tư xây dựng trường mầm non, phát triển hệ thống giao thông, tuyến đường liên xã… |
Chị Trương Thị Nhi là người đầu tiên ở ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp đầu tư trồng nấm bào ngư. Hiện nay, chị Nhi đang trồng khoảng 5.000 bịch phôi/vụ. Với giá nấm khoảng 35 ngàn đồng/kg, mỗi năm chị Nhi thu gần 100 triệu đồng. Theo chị Nhi, nhu cầu sử dụng nấm bào ngư của người dân rất lớn. Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư trang trại nên chị chỉ mới tận dụng sân nhà khoảng 30m2 để làm nấm. Số nấm này sau khi thu hoạch được chỉ đủ tiêu thụ ở 2 chợ trên địa bàn xã Hòa Hiệp. “Mong muốn của tôi là làm sao có nguồn vốn khoảng 90 triệu đồng để đầu tư mở rộng diện tích trồng nấm, từ đó có thêm sản phẩm để mở rộng thị trường ra các chợ trong huyện rồi đến các chợ ở các địa phương trong tỉnh, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn từ các ngân hàng là không thể”.
Tuyến đường WB2 nối từ xã Hòa Hội đến xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đang được tu sửa, xây thêm bờ kè chống sạt lở, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Ảnh: BÙI HƯƠNG |
Ông Trần Quốc Thảo cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn ấp Phú Thọ tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất ít (chỉ khoảng 20%), do đó, muốn vay nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng sản xuất rất khó. Trước thực trạng này, các hộ dân ở đây mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng tạo điều kiện cho họ được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để họ có tài sản khi đi vay vốn, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Đặng Thanh Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân tại 3 xã Hòa Hiệp, Hòa Hội và Xuyên Mộc, UBND huyện Xuyên Mộc đang xây dựng Kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội cho người dân giai đoạn 2018 - 2020; phấn đấu đến cuối năm 2020, các địa phương này được công nhận là xã nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; giải quyết khó khăn về việc làm, nhà ở và nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; triển khai hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất… Theo đó, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của các xã để kết nối giao thương, tạo thêm sinh kế; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện xác định thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động địa phương… Dự kiến, tổng nhu cầu vốn ngân sách để thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đến năm 2020 là khoảng 234,50 tỷ đồng (bao gồm nguồn vốn cho vay ưu đãi và vốn đầu tư xây dựng).
|
Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo và nông dân các xã Hòa Hội, Xuyên Mộc trăn trở. Tăng thêm vốn được xem là một trong những giải pháp hàng đầu giúp hộ dân thoát nghèo. Do đó, huyện cần tập trung đẩy mạnh cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo. Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát để hỗ trợ các hộ có khó khăn đặc biệt, nhất là hỗ trợ sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông – khuyến ngư, hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật nuôi trồng, dạy nghề, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả. Việc tạo cơ hội cho người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hỗ trợ giáo dục, y tế, văn hóa đến với từng người nghèo, hộ nghèo cũng là giải pháp giảm nguy cơ tái nghèo và đẩy nhanh tiến độ giảm hộ nghèo bền vững.
NHÓM PHÓNG VIÊN