Kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật (3-12): Trao "cần câu" cho người khuyết tật
Chăm lo cho người khuyết tật (NKT), trong những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp NKT tự tin, vươn lên bằng chính khả năng của mình.
DẠY NGHỀ CHO NKT
Bị sốt bại liệt từ nhỏ, cục bướu trên lưng ngày càng to ra khiến cột sống của chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (45 tuổi, số nhà 40/11/43 Bạch Đằng, phường 5, TP. Vũng Tàu) bị vẹo, đi lại khó khăn. Không có việc làm ổn định, chị Hoa đi mổ cá thuê cho các chủ ghe, mỗi ngày kiếm chưa đến 100 ngàn đồng. Công việc vất vả, lại làm từ 1-2 giờ sáng khiến sức khỏe của chị ngày càng giảm sút.
Chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (bìa phải, phường 5, TP. Vũng Tàu) tham gia lớp học làm bánh miễn phí do Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức. |
Cuối tháng 7 vừa qua, biết Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh tổ chức lớp dạy làm bánh miễn phí cho người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa đã đăng ký học. Ngoài thời gian học lý thuyết và thực hành trên lớp (6-7 giờ/ngày), về nhà chị Hoa mua thêm bếp nướng bánh bằng điện, khuôn làm bánh và thực hành tại nhà. Nhờ vậy, sau 4 tháng tham gia lớp học, chị Hoa đã có thể tự làm được một số loại bánh tại nhà. Chị Nguyễn Thị Xuân Hoa cho biết: “Hiện tại, tôi đã làm thành thạo được bánh flan, bánh gato, bông lan trứng muối. Ban đầu chỉ có bạn bè, người thân ủng hộ, dần dần có nhiều khách ở xa biết đến, gọi điện đặt hàng và giao tại nhà. Một ngày, tôi có thu nhập khoảng 100 ngàn đồng từ việc bán bánh. Cuộc sống cũng dễ thở hơn, không còn vất vả như lúc đi mổ cá thuê”.
Một trường hợp NKT khác được dạy nghề là bà Nguyễn Thị Mai Loan (58 tuổi, xã Phước Hòa, TX. Phú Mỹ). Bà bị viêm võng mạc di truyền từ mẹ nên mắt yếu dần và không còn nhìn thấy ánh sáng từ 20 năm nay. Mặc dù đã được gia đình đưa đi khám, điều trị ở nhiều bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng các bác sĩ đều nói đôi mắt của bà không còn hy vọng chữa khỏi. Cuộc sống bị đảo lộn vì mọi thứ trước mắt bà chỉ là một khoảng tối. Tuy nhiên, được sự động viên của chồng, con, bạn bè, bà Loan cố gắng và quen dần với việc mắt bị mù. Bà đã tự đi lại và sinh hoạt bình thường. Mặc dù vậy, bà Loan vẫn mong muốn mình có một công việc để giúp gia đình có thêm thu nhập, đồng thời giúp bà có thêm niềm vui, vơi bớt sự mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Cuối tháng 9 vừa qua, khi biết tin Hội Người mù tỉnh hỗ trợ dạy nghề làm bàn chải, bà Loan đã đăng ký tham gia học 5 ngày/tuần. “Mỗi ngày đến lớp học, tôi thấy vui hơn vì được trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ với mình. Từ đó, tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống. Tôi cũng hy vọng, nghề làm bàn chải sẽ giúp những người mù như chúng tôi có thêm thu nhập, phụ giúp cho gia đình” - bà Loan cho biết.
Nhờ được đào tạo nghề làm nhang, nhiều người mù trên địa bàn TP. Bà Rịa đã có thu nhập ổn định. |
CẦN CÓ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO CỤ THỂ
Để khuyến khích và hỗ trợ NKT học nghề, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2712-QĐ-UBND ngày 10-11-2015, ban hành danh mục nghề và mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NKT trong độ tuổi từ 14-55 (đối với nữ) và 14-60 (đối với nam) được tham gia các lớp học nghề: tin học, kết hạt cườm, se nhang, đàn organ, thiết kế tạo mẫu tóc, trang điểm chuyên nghiệp và trang trí móng. Mức chi phí hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học (thời gian học từ 320-408 giờ). Ngoài ra, NKT còn được hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại. Việc hỗ trợ các khóa học nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được áp dụng cho tất cả các đối tượng trong hội người mù, hội NKT các địa phương, các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật...
Theo ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh, thời gian qua, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT luôn được Hội các cấp quan tâm, chú trọng. Trong năm 2018, Hội đã phối hợp tổ chức lớp dạy làm bánh miễn phí cho 10 học viên là người khuyết tật trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Đến nay, đã có 7 học viên tự làm bánh tại nhà, bán và có thu nhập tương đối ổn định.
Trong năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 30-50 người khuyết tật hoặc liên kết với các trung tâm đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh nhận đào tạo nghề cho NKT, giúp họ có một công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, phụ giúp cho gia đình. “Tuy nhiên, để làm được điều này, tỉnh cần có kế hoạch cụ thể về việc triển khai đào tạo nghề cho NKT, tăng cường công tác tuyên truyền để họ nắm được các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho NKT, đồng thời vận động các DN tiếp nhận NKT vào làm việc” - ông Đức nói.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN