Người gieo hạt yêu thương
Cập nhật: 13:32, 20/11/2018 (GMT+7)
Từng ngày, người thầy cần mẫn gieo con chữ và ươm mầm yêu thương, âm thầm cống hiến để các thế hệ HS trưởng thành, vượt lên những thử thách của cuộc sống để khẳng định bản thân mình.
Cô Bùi Thị Ngát, GV Trường THCS Thắng Nhất (ngoài cùng bìa trái) đồng hành cùng em Lâm Thanh Bá Quý trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho HS trung học. |
Người gieo con chữ, ươm mầm yêu thương
Lớp học của cô giáo Lam chưa tới 15 HS. Bé Thiện Nhân nhỏ xíu ngồi bên chiếc bàn con, sát cô giáo. Thiện Nhân khuyết tật thể chất bẩm sinh, em không có được một gương mặt hoàn thiện. Đôi chân bị dị tật, nhưng may mắn thay, trí não của em hoàn toàn “khỏe mạnh”. Vì lý do đó, Thiện Nhân dù mới 4 tuổi nhưng lại học chung lớp với những người bạn có khi hơn em tới 12 tuổi, những đứa trẻ có trí não “ngủ quên” bên trong hình hài phát triển. Đã 18 năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lam, GV Trường khuyết tật Mai Linh (huyện Châu Đức) gắn bó cuộc đời mình với những lớp học như thế. Với cô, các em là người thân, là một phần cuộc sống của cô. Cô hướng dẫn bé Thiện Nhân tập tô chữ cái, xoa đầu Quốc Huy, khích lệ em cố gắng học; cô hỏi thăm Đức Anh: “Con thích bạn nào rồi phải không?” khiến cậu học trò khiếm thính lắc đầu nguầy nguậy nhưng miệng lại mỉm cười bẽn lẽn...
Cô Lam chia sẻ, công việc cần sự kiên nhẫn và tình thương với các em. Khác với dạy trẻ bình thường, sự tiến bộ của trẻ khuyết tật rất chậm, nhất là những em có khiếm khuyết trí não. Ở trường, quan trọng nhất là dạy các em kỹ năng rồi mới đến kiến thức. Bởi với các em, kiến thức có thể đến rồi đi nhưng kỹ năng sẽ theo các em lâu dài, giúp các em bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Tuy nhiên, để dạy các em có được những kỹ năng cơ bản, có khi mất tới hàng năm trời. Có em tới năm thứ 3 vẫn đang học cách mặc chiếc áo sơ mi, đến công đoạn học gài nút áo. Có em học cả năm mới biết cầm chổi quét nhà. Học kỹ năng vất vả, học kiến thức cũng không kém phần gian nan. Các em không thể theo học toàn bộ chương trình mà các cô giáo phải chắt lọc phần kiến thức phù hợp với khả năng của từng em để giảng dạy. Một số em biết đọc, biết viết đã học hòa nhập với lớp học bình thường. Nhưng một thời gian sau, lại quay về trường vì bị “rớt hết chữ”. Khi đó, các em lại trở về điểm xuất phát, vốn bị đẩy lại phía sau quá xa so với những đứa trẻ bình thường. Khi đó, các cô lại cần mẫn “cày bừa” lại “thửa ruộng” đã trở về trạng thái nguyên sơ để gieo con chữ. Cô Lam kể: “Gia đình sợ mình cực nên nhiều lần khuyên mình tìm công việc khác. Nhưng thương các em bất hạnh, mình muốn bù đắp phần nào đó cho các em”. Đồng hành cùng cô Lam tại trường khuyết tật Mai Linh còn có rất nhiều cô giáo khác, những người đã gắn bó với công việc của mình với cả tấm lòng. Cô Nguyễn Thị Bích Như, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lương khởi điểm của GV chỉ 3,1 triệu đồng. Trường không có bảo vệ, tạp vụ, các cô phải kiêm đủ mọi công việc từ dạy học cho tới quét dọn, bơm nước, vệ sinh cho học trò... Hiện nay, trường có 80 HS thì có 12 HS được miễn học phí do hoàn cảnh quá khó khăn. Các em còn lại đóng học phí từ 250 ngàn đồng cho tới 2,5 triệu đồng/tháng. Khi có HS tới xin học, cô Như lặn lội tới tận gia đình các em để tìm hiểu, dù có những em ở tận Xuyên Mộc, Đất Đỏ... Cô bảo: “Nhà trường ưu tiên nhận những trẻ có hoàn cảnh khó khăn trước. Dẫu sao các gia đình khá giả, các em còn được chăm sóc tốt hơn”. Không chỉ được miễn giảm học phí, gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn còn được nhà trường “giúp ngược”, tặng thực phẩm, dê giống để phát triển kinh tế.
Các thầy cô giáo đã có những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người. Trong ảnh: Cô Trần Thị Hồng Liên, GV chủ nhiệm lớp 1A1 Trường TH Lý Tự Trọng (TP. Vũng Tàu) hướng dẫn HS tập viết. |
Người bạn đồng hành của học sinh
Tại Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu), cô Bùi Thị Ngát, GV môn Sinh học được HS gọi với biệt danh “cảnh sát trưởng”. Bởi hoàn cảnh, tâm tình của mỗi HS được cô tìm hiểu để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. Mỗi giờ ra chơi, HS lớp cô Ngát chủ nhiệm đã quá quen với hình ảnh cô ở lại lớp để trao đổi, tâm sự với các em. Cô luôn cố gắng sắp xếp thời gian tới thăm nhà của từng HS trong lớp, kết nối với phụ huynh để giải quyết những vấn đề HS gặp phải.
Em Lâm Thanh Bá Quý, HS cũ của cô Ngát tâm sự: “Nhìn cách cô quan tâm đến các bạn trong lớp, đến bản thân em, em cảm thấy cô Ngát coi lớp học như chính ngôi nhà của mình; còn chúng em là những đứa con bé nhỏ của cô”. Quý mắc chứng bại não, em vận động và nói năng hết sức khó khăn. Năm lớp 7, cô Ngát được phân công làm chủ nhiệm lớp Quý. Cô Ngát nhớ lại, lần đầu tiên bước vào lớp, khi tất cả các bạn đứng dậy chào cô thì chỉ một mình Quý ngồi đó bơ vơ, lạc lõng. Cô Ngát nhẹ nhàng tới bên em hỏi han nhưng Quý nói không nên lời. “Nhìn Quý, nước mắt tôi trào ra. Tôi tự nhủ sẽ làm hết sức mình để giúp em vững vàng hơn trong cuộc sống”, cô Ngát xúc động nói. Thế nhưng, hành trình giúp Quý phá bỏ “chiếc vỏ ốc” không hề đơn giản, bởi sự tự ti trong em quá lớn. Nhiều tháng trời, cô Ngát tới tận nhà, kiên trì trò chuyện với Quý, thậm chí còn mang cả cậu con trai nhỏ tới làm bạn với em. Dần dần, Quý cảm nhận được tình cảm chân thành của cô giáo. Quý chia sẻ: “Cô Ngát từng nói với em: “Em hãy cố gắng chứng tỏ mình tàn nhưng không phế! Hãy như loài xương rồng, vẫn nở hoa dù sống trên đá sỏi khô cằn”. Biết Quý giỏi học giỏi, cô Ngát giao cho Quý phụ giúp cô làm các slide trình chiếu bài giảng, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, làm nhóm trưởng dạy kèm cho các bạn... Với tấm lòng của một GV, cô Ngát đã trở thành người bạn đồng hành với những HS có hoàn cảnh đặc biệt như Quý trong hành trình “đi qua bóng tối”.
Từ khi thành lập tỉnh đến nay, đóng góp của các thầy cô đã được ghi nhận bằng những con số rất đáng tự hào, với 39 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, 24 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 8.520 cá nhân được tặng Huy chương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, 6 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 16 tập thể và 10 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 26 tập thể và 63 cá nhân được tặng Huân chương lao động hạng Ba, 27 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, 380 lượt tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh, 52 tập thể và 191 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... |
Hạnh phúc giản đơn
Gắn bó với sự nghiệp trồng người, hạnh phúc của các thầy cô giáo đơn giản chỉ là là nhận lại sự yêu mến của học trò, được thấy các em vượt qua thử thách và có được lựa chọn đúng đắn cho con đường tương lai. Cô Nguyễn Thị Hồng Lam, GV Trường khuyết tật Mai Linh cho hay, niềm vui của GV chuyên biệt là được chứng kiến HS của mình có những chuyển biến tích cực dù là nhỏ bé nhất. Có những HS khi mới tới trường không có ngôn ngữ, không biết tự làm những việc nhỏ như mặc đồ, vệ sinh cá nhân. Giờ đây, nhiều em đã có thể tự chăm sóc bản thân, giúp đỡ gia đình, thậm chí học hòa nhập tại cộng đồng. Đó là món quà đáng quý nhất nhất với những nhà giáo như cô Lam, cô Như. Còn với cô Ngát, cho đi yêu thương thì tình yêu sẽ trở lại. Tấm lòng của các thế hệ HS chính là chất keo giúp cô gắn bó với sự nghiệp trồng người gần 20 năm qua. Vào dịp 20-11 hoặc sinh nhật của cô Ngát, năm nào ngôi nhà nhỏ của gia đình cô cũng rộn rã tiếng nói cười của HS. Có những HS đã ra trường, đi làm, có gia đình vẫn trở về để thể hiện tấm lòng tri ân với cô. Những kỷ niệm nhỏ bé ấy là nguộc động lực to lớn để cô tiếp tục trao yêu thương cho các thế hệ HS.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI