Không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà giáo
Cập nhật: 17:33, 19/11/2018 (GMT+7)
Hôm nay, 20-11, cùng với cả nước, đội ngũ nhà giáo hân hoan kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2018). Nhân dịp này, phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT về những vấn đề liên quan đến nền giáo dục của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT. |
● Phóng viên: Thưa ông, ở góc độ người làm công tác quản lý, chắc chắn ông có những sự cống hiến của đội ngũ cán bộ quản lý, GV cho sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh BR-VT?
- Ông Nguyễn Thanh Giang: Thời gian qua, các thầy cô đã không ngừng cố gắng nâng cao năng lực, chủ động sáng tạo để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Các thầy, cô giáo cũng luôn nỗ lực trở thành tấm gương sáng về đạo đức và rèn luyện. Các thầy cô là người đã dạy dỗ, bồi dưỡng, dìu dắt các thế hệ HS, để các em có kiến thức, bản lĩnh và đạo đức chinh phục đỉnh cao tri thức, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Với những cống hiến của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên ngành giáo dục toàn tỉnh, năm học 2017-2018, toàn ngành đã thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học. Qua đó, ngành GD-ĐT tỉnh đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: 255/433 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm 59%); 100% các huyện, thành phố, thị xã được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục MN 5 tuổi; 100% trường TH tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, 124/141 trường TH thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ 87,9%... Bên cạnh đó, số lượng giải và chất lượng học sinh giỏi các cấp và HSG Quốc gia ngày càng tăng. Riêng năm học 2017-2018, HS toàn tỉnh đạt hơn 900 giải trong cuộc thi HS giỏi cấp tỉnh, tăng gần 170 giải so với năm học trước; tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp trong kỳ thi THPT Quốc gia đạt hơn 98%, cao hơn năm học trước 0,35%; có 45 HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp Quốc gia các môn văn hóa, tăng 5 giải so với năm học 2016-2017; cả 6 dự án tham dự đều đoạt giải cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp Quốc gia...
●Thưa ông, trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, hiện nay, đội ngũ nhà giáo gặp phải những khó khăn gì?
- Ngành GD-ĐT đang đứng trước yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện. Nhiệm vụ này đòi hỏi đội ngũ nhà giáo không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, chủ trương sắp xếp lại đội ngũ, tinh giản biên chế khiến đội ngũ cán bộ quản lý, GV gặp nhiều áp lực, phải cố gắng hết sức để gánh vác công việc chuyên môn.
Trước đây, nhiệm vụ của người thầy chủ yếu là truyền đạt kiến thức, lên lớp với phấn trắng, bảng đen. Giờ đây, thầy cô phải vừa dạy dỗ, vừa tạo điều kiện để HS phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của mình. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật thì thách thức đối với người thầy là không nhỏ. Nếu không phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy thì người thầy sẽ bị tụt hậu so với yêu cầu của xã hội hiện đại.
Ngoài ra, thu nhập của nhà giáo cũng là một vấn đề rất đáng trăn trở, nhất là đối với đội ngũ GV MN. Thu nhập quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống khiến các thầy cô chưa an tâm gắn bó để cống hiến hết mình cho công việc.
Về đạo đức nhà giáo, thời gian gần đây, có một số sự việc xảy ra ở các địa phương trên cả nước làm ảnh hưởng tới hình ảnh người thầy. Trong hoàn cảnh đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục càng phải chú trọng rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, chú trọng từ những hành vi nhỏ nhất để trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tác phong cho học trò noi theo.
●Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ làm gì để nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của các thầy cô giáo, giảm bớt những khó khăn cho đội ngũ?
-Thời gian tới, ngành GD-ĐT tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ bằng cách lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn định kỳ, thường xuyên, khuyến khích đội ngũ có tinh thần tự học và bồi dưỡng. Trong đó, ngành chú trọng bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý GD-ĐT để thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ triển khai trong năm học tới. Song song với đó, ngành cũng hoàn thiện Đề án quản lý giáo dục thông minh trình UBND và HĐND tỉnh, để triển khai từ năm 2019. Theo đó, hệ thống hạ tầng CNTT được phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng e-learning phục vụ nhu cầu tự học của HS và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy học; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, GV, HS, SV toàn ngành. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh và thực hiện tốt quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng về số lượng và chất lượng đội ngũ; thực hiện tuyển dụng, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển đúng quy định, đúng vị trí việc làm; giải quyết tình trạng thừa thiếu GV cục bộ, GV không đủ chuẩn. Không chỉ vậy, ngành GD-ĐT còn bồi dưỡng nâng chuẩn đội ngũ theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn cán bộ quản lý; đồng thời triển khai văn bản chỉ đạo các cấp về nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, tổ chức các chuyên đề, giao lưu gương điển hình tiên tiến, yêu cầu các thầy cô tự phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng để thực hiện tốt hơn sứ mệnh cao cả của mình.
Ngoài ra, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ được nâng cao chất lượng cuộc sống, có đủ điều kiện, tâm huyết cống hiện cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Trước mắt là chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe, đồng phục… giúp giảm bớt khó khăn để GV MN yên tâm công tác.
● Xin cảm ơn ông!
KHÁNH CHI
(thực hiện)