.
BÀ LÊ THỊ TRANG ĐÀI, GIÁM ĐỐC SỞ LĐTBXH, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN VÌ SỰ TIẾN BỘ PHỤ NỮ TỈNH:

Nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới

Cập nhật: 18:18, 26/11/2018 (GMT+7)

Sau 10 năm (2008-2018) triển khai Luật Bình đẳng giới, BR-VT đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhân Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 (từ tháng 11 đến tháng 12-2018), phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh về một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực này.

Thực hiện Luật Bình đẳng giới, lĩnh vực việc làm luôn tạo việc làm ổn định cho phụ nữ với tỷ lệ 50,46%. Trong ảnh:  Chị Đào Thị Cúc, tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long (ngoài cùng bên phải) được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới, lĩnh vực việc làm luôn tạo việc làm ổn định cho phụ nữ với tỷ lệ 50,46%. 
Trong ảnh: Chị Đào Thị Cúc, tổ 16, ấp Đông, xã Hòa Long (ngoài cùng bên phải) được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.

* Phóng viên: Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, BR-VT đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa bà?

- Bà Lê Thị Trang Đài: Hiện nay, các tầng lớp phụ nữ, nam giới ngày càng nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, xã hội. Các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị, lao động-việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa… đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điển hình như trong lĩnh vực chính trị, nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp tỉnh đạt 7,61%, cấp huyện đạt hơn 10%, cấp xã đạt 20%, đến nhiệm kỳ 2015-2020 tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng cấp tỉnh đạt 9,61%, cấp huyện đạt 14,22%, cấp xã đạt 27,58%. Tỷ lệ nữ lao động có việc làm ổn định là 50,46 %; Tỷ lệ trẻ em gái trong độ tuổi đến trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, ở cấp học mầm non, cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt 98% trở lên.

Để có được kết quả nổi bật như trên, công tác thực thi pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành. Ngay sau khi Luật Bình đẳng giới có hiệu lực (ngày 1-7-2007), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới đến các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 3727-CV/TU ngày 22-7-2015 về thực hiện Thông báo Kết luận số 196-TB/TW của Ban Bí thư về lãnh đạo công tác bình đẳng giới-vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới và các chính sách pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức. Cụ thể như: Tổ chức thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về giới, lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp…

* Cùng với những kết quả đạt được, đề nghị bà cho biết những hạn chế trong triển khai Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh? 

- Việc triển khai Luật Bình đẳng giới hiện vẫn còn một số hạn chế như: Bộ máy làm công tác bình đẳng giới và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tuy thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhưng phần lớn đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi. Thực tế, đội ngũ này đang gánh quá nhiều việc dẫn tới ít có sự đầu tư, nghiên cứu nên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu mục tiêu, chiến lược về bình đẳng giới đặt ra. Kinh phí hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện, cấp xã và các sở, ban, ngành còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động nhằm đạt các mục tiêu của kế hoạch đề ra. Chế độ thông tin, báo cáo về bình đẳng giới còn chậm, chưa được các cấp, các ngành nghiêm túc thực hiện, báo cáo thiếu thông tin, nhiều số liệu chưa tách biệt giới tính. Điều này gây khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo và đưa ra các giải pháp hiệu quả, phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Công tác chỉ đạo từ các bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ và kịp thời, nhiều văn bản chỉ đạo, biểu mẫu thống kê số liệu báo cáo chưa có sự chỉ đạo tách biệt giới. Tính đến nay, BR-VT còn 4/22 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Nam giới tham gia tập huấn mô hình  “Vận động nam giới tiên phong thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”. Ảnh: TUYẾT MAI
Nam giới tham gia tập huấn mô hình “Vận động nam giới tiên phong thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”.

* Bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà của các nước trên thế giới vì đây là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội. Vậy những nhiệm vụ, giải pháp sẽ được Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa bà? 

- Có nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới. Trong công tác thông tin, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới thì nội dung, hình thức tuyên truyền phải đa dạng, sinh động, đảm bảo thường xuyên liên tục, phù hợp với từng đối tượng. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nam giới để huy động nam giới thực hiện bình đẳng giới một cách tích cực. Ngành giáo dục cần chủ động phối hợp với các ngành liên quan đưa nội dung về giới, bình đẳng giới đến với học sinh, giúp các em hiểu hơn về giới và bình đẳng giới.

Song song đó, tỉnh sẽ phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng nhằm hỗ trợ nữ và nam bình đẳng về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; tăng cường xã hội hóa và sự phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới; quan tâm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho phụ nữ, giúp họ có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống…

* Xin cảm ơn bà.

TUYẾT MAI
(thực hiện)

.
.
.