Bão đổ bộ vào BR-VT: Gió mạnh quần thảo từ sáng đến tối
● Hàng ngàn cây xanh gãy đổ
● Chưa ghi nhận thiệt hại về người
Khoảng 9 giờ, ngày 25-11, bão số 9 (bão Usagi) đã đổ bộ vào TP.Vũng Tàu, di chuyển chậm và sau đó suy yếu thành áp thấp, nhưng hoàn lưu bão gây gió mạnh, vẫn ảnh hưởng BR-VT trong nhiều giờ liền, kéo dài đến tận tối 25-11.
Nhân viên Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và đô thị Vũng Tàu tiến hành chặt bỏ cây bằng lăng bị ngã đổ ở trước hẻm 97, đường Phan Chu Trinh, phường 2, TP. Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH HUY |
BÃO ĐỔ BỘ TỪ SÁNG, GIÓ “QUẦN” ĐẾN ĐÊM
Khoảng 9 giờ, ngày 25-11, bão số 9 (bão Usagi) đã đổ bộ vào TP.Vũng Tàu, di chuyển chậm và sau đó suy yếu thành áp thấp, nhưng hoàn lưu bão gây gió mạnh, vẫn ảnh hưởng BR-VT trong nhiều giờ liền, kéo dài đến tận tối 25-11.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác phòng chống bão tại BR-VT
Trong 2 ngày 25 và 26-11, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã kiểm tra tình hình ứng phó bão số 9 tại BR-VT. Qua làm việc với lãnh đạo tỉnh, và kiểm tra một số khu vực xung yếu cũng như các điểm di dời dân tại địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao công tác phòng chống bão số 9 tại BR-VT. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, diễn biến thời tiết sau bão vẫn còn phức tạp, đề nghị các địa phương không lơ là, chủ quan.
|
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 ở khu vực Bãi Trước, TP.Vũng Tàu. Ảnh: MINH TRÍ |
Lúc bão đổ bộ vào TP Vũng Tàu, gió cấp 8 khiến nhiều người đi đường bị ngã xe, nhiều cây xanh bị bật gốc. Kèm theo gió bão là mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, ô tô di chuyển khó khăn. Dọc tuyến đường Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Bacu (TP.Vũng Tàu) và ở các địa phương khác như Bà Rịa, Châu Đức, Long Điền, Xuyên Mộc đều ghi nhận hàng loạt cây xanh gãy đổ do bão số 9.
Công tác phòng chống bão được triển khai chủ động
Trước khi bão số 9 đổ bộ, các đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp thị sát tình hình hình phòng chống bão ở các địa phương. Qua đó, nhắc nhở các địa phương lưu ý đặc biệt phương án di dời dân cư ở các vùng trọng yếu; hướng dẫn ngư dân neo đậu tránh trú bão an toàn; chủ động liên lạc với tàu thuyền đang hoạt động trên biển để hỗ trợ tìm nơi trú ẩn.
|
Bộ trưởng NN&PPNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở Lộc An (Đất Đỏ). Ảnh: MINH TÂM |
Đồng chí Nguyễn Thị Yến kiểm tra công tác phòng chống bão tại Đất Đỏ. Ảnh: THÙY LINH |
Đáng chú ý, ở TP.Vũng Tàu nhiều cây xà cừ cả trăm tuổi đời đổ gãy. Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) đã dồn toàn bộ lực lượng ứng phó. Trong gió bão, nhân viên UPC bất chấp nguy hiểm, kịp thời giải tỏa cây xanh bị đổ gãy, bảo đảm giao thông thông suốt.
Nhà tốc mái tại ấp Phước Thái, xã Phước Tỉnh huyện Long Điền. Ảnh: THÀNH HUY |
Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Lê Huy Hữu Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Công viên cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) cho biết, ước tính có khoảng 1.000 đổ gãy, chủ yếu là các loại: so đo cam, cây mưa Singapore, sao, dầu, điệp... Trong đó, 300-400 cây bật gốc và đổ. Ngoài những cây có tuổi đời 7-8 năm còn có 3 cây xà cừ cổ thụ khoảng từ 50 -100 năm tuổi trên đường Nguyễn Du bị đổ. Ông Hiệp cho biết, ngày 25-11, công ty đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên (khoảng hơn 400 người) để xử lý cây xanh gãy đổ. Vì số lượng cây xanh gãy, đổ quá nhiều nên công ty phải ưu tiên xử lý cây đổ cản trở giao thông, làm ảnh hưởng đến dây điện, hoặc đổ lên nhà dân, đè lên trụ sở làm việc… Giải pháp hiện thời là cưa cắt cây bị gãy, đổ và dọn dẹp chứ chưa thu gom hết được.
Các giàn khoan an toàn hoạt động trong bão
Thông tin từ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro cho biết, ở vùng mỏ Bạch Hổ mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để ứng phó, vì vậy đến thời điểm hiện tại các công trình của Vietsovpetro chưa có bất kỳ thiệt hại nào.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ban An toàn Sức khỏe và Môi trường Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí PVEP, đến sáng 25-11, mọi hoạt động tại các đơn vị/ nhà thầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9 vẫn được kiểm soát, đảm bảo an toàn, không có sự cố nào xảy ra.
|
Giàn khai thác dầu khí mỏ Rạng Đông – JVPC1 trong cơn bão số 9. Ảnh: GIA AN |
Một số khu du lịch ven biển bị ảnh hưởng khá nặng. Cụ thể, KDL Sài Gòn-Bình Châu và Sài Gòn-Hồ Cóc thuộc Công ty CP DL Sài Gòn Bình Châu bật gốc, gãy cành 40 cây dương trên 10 năm tuổi, 2 cây sộp cổ thụ, tốc mái 10 biệt thự. Tổng thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Theo ông Ngô Bá Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DL Sài Gòn Bình Châu, sóng gió lớn đẩy rác tự nhiên trôi vào bãi tắm KDL Sài Gòn-Hố Cóc nhiều, cộng với lượng lá cây rừng rụng, dự kiến đơn vị phải mất 1 tuần khắc phục hậu quả về môi trường. Các KDL trên địa bàn TP.Vũng Tàu như: Biển Đông, Gió Biển, DIC, Vungtau cũng thiệt hại nhiều cây xanh.
Các phương tiện xe máy lưu thông trên đường gặp gió to đổ ngã trên đường Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) sáng 25-11. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Khách hàng mua xúc xích, mì gói, nước suối... tại cửa hàng Circle K (đường Thủy Vân, TP. Vũng Tàu). Ảnh: GIA AN |
CHƯA CÓ THIỆT HẠI VỀ NGƯỜI
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 17 giờ ngày 25-11, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão số 9.
Tại các địa phương, ngoài cây xanh gãy đổ, gió bão cũng đã làm một số nhà dân bị tốc mái. Tại huyện Xuyên Mộc có 8 căn nhà bị tốc mái, TP.Vũng Tàu 3 căn bị tốc mái và 4 tàu dưới 20CV đậu tại khu vực Bãi Trước bị chìm, hư hỏng; TP.Bà Rịa có 1 căn bị cháy do chập điện; huyện Long Điền 12 căn tốc mái; TX. Phú Mỹ 1 căn nhà tốc mái; huyện Châu Đức 2 căn nhà và 3 phòng học của trường TH Sông Cầu bị tốc mái.
Đề phòng gió giật mạnh, lốc xoáy
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 1 giờ ngày 26-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực biên giới Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, ở vùng biển BR-VT vẫn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; biển động, sóng trên biển cao từ 2-4m. Dự báo ngày 26-11, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to. Cần đề phòng có gió giật mạnh, lốc xoáy.
|
Ông Tạ Văn Bửu, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, tại xã Lộc An, tàu thuyền và ngư dân an toàn, chưa ghi nhận thiệt hại về nuôi trồng thủy sản. Tại thị trấn Phước Hải ghi nhận 40ha lúa bị ngập, ngã đổ.
Ở các địa phương, tình trạng cây xanh gãy đè đường dây cáp, dây điện gây nên tình trạng mất điện, mất kết nối internet cục bộ.
Tàu cá neo đậu tại cảng Phước Tỉnh. Ảnh: THÀNH HUY |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều xảy ra sự cố về điện, gây mất điện cục bộ. Ngay sau khi nắm bắt tình hình, công ty đã cử lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố. Hiện một số khu vực ở Châu Đức, Long Điền... đã được đóng điện trở lại. Những khu vực chưa khắc phục được, công ty tiếp tục xử lý, khắc phục.
Hôm nay, 26-11, học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, do có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với bão số 9 nên các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh ít bị ảnh hưởng. Chỉ có một vài trường bị tốc mái, cây trong khuôn viên trường gãy đổ. Tuy nhiên, do vẫn còn mưa và gió, 1 số trường là điểm tránh trú bão của người dân nên Sở GD-ĐT đã xin ý kiến UBND tỉnh cho HS toàn tỉnh nghỉ học ngày 26-11 (thứ Hai) để các trường dọn dẹp trường lớp, khắc phục hậu quả sau bão. Dự kiến, ngày 27-11 (thứ Ba) HS đi học lại bình thường.
|
Nhóm PV THỜI SỰ