.
CHUYỆN NHÀ:

Đừng so sánh con với những bạn khác

Cập nhật: 08:05, 05/10/2018 (GMT+7)

Đi họp phụ huynh về, mẹ càm ràm: “Thấy con người ta phát ham, đạt học sinh giỏi cấp quận. Còn con, mẹ nuôi ăn học tới ngần này tuổi mà chẳng được chút gì để mẹ lấy tiếng thơm. Học cứ bình bình hoài sao...”. Nói xong, mẹ bỏ vào bếp làm thức ăn. Tiếng dao bằm, chén khua rổn rảng làm con ái ngại. Lại một lần nữa mẹ đem con lên bàn cân so sánh với những bạn khác.

Chuyện có gì đâu mà mẹ nổi đóa đến thế. Chẳng qua là bạn lớp phó học tập lớp con đạt giải Ba môn văn cấp quận. Vậy mà mẹ làm ầm lên cho bữa cơm gia đình tẻ nhạt. Mẹ biết rồi đó, con là con trai, lại thích học những môn tự nhiên, làm sao mà so với bạn chuyên về xã hội cho được. Vả lại, môn văn thiên về năng khiếu, nên đâu phải ai cũng có thể bay bổng trong thế giới chữ nghĩa được. Con cố gắng học để không bị dưới trung bình những môn này là may lắm rồi. 

Thực ra đây không phải là lần đầu mẹ so sánh con với bạn khác. Rất nhiều lần rồi, mẹ ơi. Như tháng trước, bạn con được giáo viên chủ nhiệm tuyên dương về việc sống tốt, biết giúp đỡ người cơ nhỡ ngoài phố. Số là clip của bạn đăng lên facebook, nhà trường biết đến nên được khen ngợi. Mẹ cho rằng con không biết nhìn xuống, chẳng biết xót thương trước những hoàn cảnh khó khăn. Mẹ ơi là mẹ, không lẽ mỗi lần con cho cậu bé ăn xin cái kẹo, mua giúp người khuyết tật vài tờ vé số con cũng phải báo cáo thành tích với mẹ hay sao? Vậy thì còn ý nghĩa gì nữa. Con là con của mẹ, sống tốt hay không mẹ cũng hiểu rõ điều đó mà.

Con nói ra không phải hỗn hào, chống đối với người lớn tuổi mà đây là nỗi lòng của con. Con muốn được bày tỏ quan điểm, muốn được mẹ tôn trọng, trân trọng những giá trị ở con người con. Mẹ nghĩ lại đi, con chưa làm gì phật lòng gia đình. Không la cà, không tiêu xài hoàng phí, cũng chẳng quậy phá đánh nhau với bạn bè. Mà con chỉ tập trung vào việc học, giải trí lành mạnh, dù rằng học lực của con chỉ ở mức trung bình khá. Con xem như thế là ổn rồi, không thể nào cố gắng hơn được khi sức học của con chỉ có có chừng ấy.  

Vì vậy con mong mẹ đừng bực bội nữa, nhất là những lúc cả nhà mình quây quần bên nhau. Con là con, người khác là người khác. Ai cũng có giá trị riêng nên mẹ không thế so sánh như vậy được. Con rất hiểu tâm trạng của mẹ, khi con chưa làm được gì nổi tiếng ở trường để mẹ nở mặt nở mày với những phụ huynh khác. Nhưng ít ra, con không làm gì để gia đình phải phiền muộn, âu lo. Hãy để con là con, phát triển, thể hiện một cách tự nhiên thay vì ép con phải là (hoặc bằng) một người khác. 

NGUYỄN HOÀNG DUY

 
.
.
.