Băn khoăn trước yêu cầu không để học sinh viết vào SGK
Ngày 24-9-2018, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên (GV) không để học sinh (HS) viết, vẽ vào SGK. Dư luận cho rằng, đây là yêu cầu không hợp lý và không gỡ được “nút thắt” của thực trạng lãng phí SGK.
Với học sinh lớp 1, tốc độ viết của các em tương đối chậm nên việc làm bài vào những phần được biên soạn riêng trong SGK nhằm bảo đảm việc dạy và học. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường TH Lý Tự Trọng (TP.Vũng Tàu).
|
KHÔNG HỢP LÝ
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, việc sử dụng lại SGK mới đạt khoảng 35%. Để nâng cao hiệu quả sử dụng và tăng tỷ lệ SGK được sử dụng nhiều lần, Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT và cơ sở giáo dục tại địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, GV, HS giữ gìn SGK để sử dụng lâu bền; hướng dẫn HS nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK. Ngoài ra, chỉ thị cũng yêu cầu ngành giáo dục phối hợp với các ban, ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông để xử lý nếu xảy ra vi phạm.
Dư luận cho rằng, chỉ đạo trên của Bộ GD-ĐT không phù hợp với tình hình thực tiễn. Cô Lê Tú Quyên, GV Trường TH Bùi Thị Xuân (TP.Vũng Tàu) nói: “Đây là yêu cầu không ổn, bởi SGK là tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của HS nên GV không thể cấm các em viết, vẽ lên rồi xử phạt nếu các em vi phạm”. Còn thầy Nguyễn Ngọc Hoàng, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Bình (huyện Xuyên Mộc) phân tích, khi biên soạn SGK, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống, xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho HS các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức. Do đó, việc cấm HS viết, vẽ vào SGK là đi ngược lại với dụng ý của người biên soạn. Bên cạnh đó, ngoài chương trình hiện hành, một số địa phương còn áp dụng SGK của mô hình trường học mới. Đây là cuốn sách “2 trong 1”, vừa là SGK, vừa là sách bài tập nên việc HS làm bài tập trực tiếp vào sách là điều đương nhiên. Vì vậy, việc không cho các em viết vào SGK là không phù hợp với tình hình thực tế.
Mặt khác, một số GV, cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, việc viết vào SGK tạo thuận lợi hơn cho cả cô và trò trong dạy và học. Cô Ngô Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thành (TP.Vũng Tàu) cho rằng, với HS đầu cấp, các em viết rất chậm nên một số bài tập viết trực tiếp vào SGK giúp tiết kiệm thời gian để trong một tiết học vừa học lý thuyết, vừa rèn luyện kỹ năng làm bài tập. Nếu cấm các em viết vào SGK sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học.
Với học sinh lớp 1, tốc độ viết của các em tương đối chậm nên việc làm bài vào những phần được biên soạn riêng trong SGK nhằm bảo đảm việc dạy và học. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường TH Lý Tự Trọng (TP.Vũng Tàu). |
Thầy Vũ Thế Điệp, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu cũng cho rằng, việc HS viết vào SGK những nội dung liên quan đến bài học có nhiều mặt tích cực. Điều này chứng tỏ các em đã học tập một cách nghiêm túc, có sự tìm tòi, chịu khó đọc và nghe giảng, biết mở rộng nội dung bài hoặc phát hiện những vấn đề quan trọng. Nếu các em làm được điều này thì một cuốn SGK cũ, chi chít chữ còn đáng quý hơn rất nhiều so với một cuốn SGK đã qua sử dụng mà còn mới nguyên.
Về phía phụ huynh, chị Ngô Thị Thúy, phụ huynh HS Trường TH Trưng Vương (TP.Vũng Tàu) cho biết, chị không đồng tình với việc cấm HS viết, vẽ vào SGK. Bản thân chị không cấm con viết vào sách nếu nội dung đó phục vụ cho việc học tập của con.
Tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 12, Trường THPT Vũng Tàu. |
ĐỪNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TỪ... NGỌN
Chỉ thị của Bộ GD-ĐT yêu cầu HS không viết, vẽ vào SGK nhằm hướng tới “đích” là chống lãng phí sách, tăng hiệu quả tái sử dụng. Tuy nhiên, qua khảo sát thì hầu hết phụ huynh, Ban Giám hiệu nhà trường và GV đều cho rằng, Bộ GD-ĐT mới giải quyết “phần ngọn” chứ chưa đi vào “gốc rễ” của vấn đề, đó là nội dung và chất lượng SGK.
Cô Lê Tú Quyên, GV Trường TH Bùi Thị Xuân cho rằng, để tái sử dụng SGK, vấn đề quan trọng là nội dung sách phải bảo đảm tính ổn định, chỉ tái bản chứ không sửa chữa. Nếu không, dù những cuốn sách cũ có được giữ gìn thì phụ huynh cũng không dám cho con sử dụng lại. Nếu muốn HS không viết vào SGK thì khi biên soạn không nên đưa các bảng số liệu, ô trống... vào sách. “Bộ GD-ĐT nên nhìn thẳng vào căn nguyên khiến SGK không thể sử dụng lại chứ không nên đẩy trách nhiệm sang cho GV và HS”, cô Quyên nói.
Đồng quan điểm, đại diện một nhà sách ở TP.Bà Rịa cũng chia sẻ, ngay cả những cuốn SGK chưa qua sử dụng nhưng được in ấn từ năm học trước, phụ huynh cũng kiên quyết không mua do lo ngại nội dung có những thay đổi nhất định, ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ. Do đó, những cuốn SGK cũ cũng khó lòng được quay vòng vào những năm tiếp theo. Mặt khác, không ít phụ huynh có tâm lý vào năm học mới phải mua sách mới để con tự tin đến trường, bằng bạn bằng bè. Khi tâm lý này chưa thay đổi thì việc lãng phí SGK khó có thể chuyển biến.
Còn theo cô Ngô Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Thành, nhà trường không cấm HS viết, vẽ vào SGK mà chỉ cần định hướng các em những gì được viết, những gì không nên viết. Nội dung viết bằng bút chì, có thể xóa đi khi tái sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, phụ huynh HS Trường TH Hạ Long cho rằng, muốn tái sử dụng, SGK phải bảo đảm chất lượng in ấn. Trong khi hiện nay, SGK nhìn khá bóng bẩy, đẹp mắt nhưng giấy rất mỏng nên dễ rách, bìa và gáy sách dễ bung, xô lệch. “Đầu mỗi năm học, tôi đều ghim, dán lại gáy sách để con sử dụng được lâu bền. Tuy nhiên, với chất lượng SGK như hiện nay thì dù có ý thức giữ gìn, hầu hết các cuốn sách đều không sử dụng lại được. Theo tôi, muốn tránh lãng phí SGK, bên cạnh việc biên soạn nội dung hợp lý và duy trì ổn định thì việc nâng cao chất lượng in ấn, đóng sách là hết sức cần thiết”, chị Yến nói.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI