.

Những rào cản về xuất khẩu lao động

Cập nhật: 18:02, 24/09/2018 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không còn là khái niệm quá mới mẻ đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay, BR-VT vẫn loay hoay với bài toán tìm kiếm nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Khó khăn về tài chính, trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu... vẫn là những “rào cản” đối với người lao động. 

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động đăng ký tìm việc tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 7 năm 2018.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động đăng ký tìm việc tại Phiên giao dịch việc làm lần thứ 7 năm 2018.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, năm 2017, cả tỉnh chỉ có 145 người đi XKLĐ tại các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả-rập-xê-út, Slovakia, Kuwait. Trong quý III năm 2018, con số này là 88 người. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm được trung tâm tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, số người đến tìm hiểu thông tin về XKLĐ chỉ khoảng 15-20 người. 

Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 7 năm 2018 do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức vào ngày 15-9 tại TP. Bà Rịa, có 4 DN tham gia tuyển dụng XKLĐ với nhu cầu tuyển hơn 800 lao động làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch, chỉ có 4 người đến để tư vấn về XKLĐ và các DN vẫn chưa tuyển được lao động theo nhu cầu.

Ông Hoàng Ngọc Võ, Phòng nghiệp vụ của Công ty CP Cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công ty có nhu cầu tuyển dụng 93 lao động sang Nhật Bản làm việc ở các vị trí như: Công nhân may, điện, thực phẩm, cơ khí hàn với mức thu nhập khá cao từ 20-25 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong suốt phiên giao dịch chỉ có 1-2 người đến tìm hiểu các thông tin, điều kiện đi XKLĐ, chưa có hồ sơ nào được nhận trực tiếp tại phiên giao dịch. 

Tương tự, ông Châu Thanh Tâm, Bộ phận nhân lực của Công ty CP nhân lực Hoàng Hà (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, công ty đã liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tuyển dụng lao động từ năm 2015 đến nay. Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, nhu cầu tuyển dụng của công ty khoảng 100 người, tuy nhiên số người đến phỏng vấn chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Người lao động còn e dè do chi phí đi XKLĐ quá lớn. Ví dụ để đi làm việc ở Nhật Bản, người lao động phải bỏ ra 120-130 triệu đồng (chưa kể chi phí ăn uống). Trong khi, đa số người lao động có nhu cầu XKLĐ đều là người nghèo, công việc bấp bênh, khó khăn về kinh tế nên số tiền đó đối với họ là quá lớn”, ông Tâm nói. 

Anh Bùi Văn Biên (phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) tốt nghiệp cao đẳng ngành điện công nghiệp, có nhu cầu đi XKLĐ tại Nhật Bản. Anh Biên đã nhờ bạn bè tư vấn và đến một số công ty tư vấn về XKLĐ trên địa bàn TP. Vũng Tàu để tìm hiểu về công việc này, tuy nhiên đến nay anh vẫn chưa thể “xuất ngoại” do chi phí đi làm việc ở Nhật Bản quá cao so với điều kiện gia đình anh hiện nay. “Vợ chồng tôi hiện đang nuôi con nhỏ, công việc bấp bênh, mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng, nên không tích góp được nhiều. Để có tiền đi XKLĐ, vợ chồng tôi phải đi vay mượn khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ”, anh Biên nói. 

Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nguyên nhân khiến việc tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài còn gặp khó khăn là do một số lao động có nhu cầu XKLĐ nhưng đã quá độ tuổi mà DN yêu cầu. Số khác thì khó khăn về tài chính, thiếu tay nghề, bằng cấp. Ngoài ra, thời gian học tiếng và chờ đợi để được chủ lao động nước ngoài tuyển dụng tại một số nước tương đối lâu nên người lao động không đủ kiên nhẫn để chờ đợi. 

Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong những năm qua, BR-VT luôn chú trọng đến việc liên kết với các DN tuyển dụng XKLĐ, tìm kiếm những thị trường lao động có uy tín nhằm mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn. “Hiện nay, Sở LĐTBXH đang trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ XKLĐ giai đoạn 2019-2020. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ vốn XKLĐ được mở rộng ra đối với tất cả lao động có hộ khẩu tại BR-VT (trước đây chỉ có người nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, người bị thu hồi đất); tăng mức hỗ trợ từ tối đa 50 triệu đồng/người lên hỗ trợ 100% chi phí XKLĐ… Hy vọng đề án này sẽ sớm được phê duyệt, triển khai nhằm đẩy mạnh lĩnh vực XKLĐ của địa phương trong thời gian tới”, ông Việt cho biết. 

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

.
.
.