Khoa Y dược cổ truyền (Bệnh viện Lê Lợi): Đi đầu trong khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông y
Giữa tháng 7 vừa qua, Khoa Y dược cổ truyền (Bệnh viện Lê Lợi) là 1 trong 4 khoa Y dược cổ truyền thuộc 4 bệnh viện trên cả nước được nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Bác sĩ Khoa Y dược cổ truyền (Bệnh viện Lê Lợi) khám cho bệnh nhân. |
Là đơn vị khám, chữa bệnh bằng đông y được thành lập sớm nhất trên địa bàn tỉnh, lúc mới thành lập (năm 1991), Khoa Y dược cổ truyền (YDCT) của Bệnh viện Lê Lợi chỉ có 6-7 nhân viên, trong đó có 2 bác sĩ. Điều kiện khám, chữa bệnh (KCB) tại khoa thời điểm đó rất khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Nhưng bù lại là sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ.
Năm 2008, thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, Khoa YDCT Bệnh viện Lê Lợi đã củng cố tổ chức, phát triển hội viên, kết hợp KCB bằng đông y và tây y nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Khoa YDCT đã được đầu tư thêm 2 bàn khám bệnh ngoại trú, sửa chữa mở rộng phòng điều trị nội trú, tăng lên 30 giường bệnh. Nhiều thiết bị hiện đại như: giường kéo cột sống, máy chiếu lazer, máy siêu âm… cũng được đầu tư. Đội ngũ y, bác sĩ cũng không ngừng được bổ sung, đến nay Khoa YDCT có 25 nhân viên, trong đó có 6 bác sĩ, 7 dược sĩ. Cùng với đó, khoa có điều kiện triển khai nhiều phương pháp điều trị kết hợp giữa đông y và tây y, đạt kết quả cao, được nhiều bệnh nhân tin tưởng.
Bệnh nhân Phùng Ngọc Cầu (phường 7, TP. Vũng Tàu) bị rối loạn tiền đình, đang được điều trị châm cứu tại Khoa YDCT. Ông Cầu cho biết: “Tuy liệu trình điều trị là 15 ngày, mỗi ngày 45 phút, nhưng châm cứu đến ngày thứ 5 thì tôi thấy bệnh tình thuyên giảm hẳn. Tôi cảm thấy rất hài lòng”.
Cũng như ông Cầu, mỗi ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân đến Khoa YDCT để châm cứu do mắc các bệnh như: đau lưng, đau đầu gối, đau cổ, hoặc để phục hồi vận động sau tai biến, đột quỵ… Trung bình mỗi ngày, phòng khám ngoại trú Khoa YDCT tiếp nhận, khám và điều trị cho hơn 500 lượt bệnh nhân (cao gấp gần 3 lần so với năm 2012, chiếm hơn 23% tổng số bệnh nhân KCB tại Bệnh viện Lê Lợi). Tỷ lệ bệnh nhân điều trị nội trú thường xuyên đạt 90-100% công suất giường bệnh.
Được biết, hiện nay, Khoa YDCT đang thực hiện nhiều phương pháp kỹ thuật điều trị như: ngâm thuốc y học cổ truyền, trường ngải cứu, điện mãn châm, điện nhĩ châm, lazer châm cứu. Dự kiến, sắp tới, Khoa YDCT sẽ triển khai một số phương pháp mới như: thủy châm (tiêm các thuốc bổ thần kinh vào huyệt), cấy chỉ vào huyệt (chôn chỉ)…
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa YDCT, đặc thù trong phương pháp điều trị của Khoa YDCT là bên cạnh các ứng dụng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, châm cứu, Khoa sử dụng thuốc dạng thang dược liệu cho bệnh nhân sắc uống tùy theo lứa tuổi và theo bệnh của từng người thay vì sử dụng các thành phẩm thuốc viên, tán bột như những nơi khác, bởi thuốc nam khi được sắc lên, các hoạt chất trong thuốc mới phát huy được tối đa hiệu quả. “Ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn, kết hợp chữa bệnh bằng đông y và tây y, lãnh đạo Khoa YDCT còn phổ biến cho cán bộ, nhân viên về thái độ phục vụ, giao tiếp với bệnh nhân, tạo niềm tin, sự cởi mở, thân thiện để họ yên tâm điều trị”, bác sĩ Sơn nói.
Bằng sự tận tâm, nhiệt tình của các y, bác sĩ và toàn thể cán bộ, nhân viên, Khoa YDCT ngày càng được nhiều bệnh nhân tin tưởng, lựa chọn điều trị. Năm 2008, Khoa YDCT được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, 2 năm liền (2010-2011) được nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách quốc gia về Y dược học cổ truyền từ năm 2005-2010. Và mới đây nhất (ngày 12-7), Khoa YDCT Bệnh viện Lê Lợi là 1 trong 4 khoa YDCT thuộc 4 bệnh viện trên cả nước được nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Bài, ảnh: BÙI HƯƠNG