Căng thẳng về giáo viên cho năm học mới
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa, HS toàn tỉnh sẽ bước vào năm học mới 2018-2019. Bên cạnh áp lực về cơ sở vật chất, ngành giáo dục tỉnh còn đứng trước tình trạng thiếu GV đứng lớp.
“CẠN” CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ
Một số trường có sĩ số HS quá đông gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu). |
Trong khi một số địa bàn đang gặp áp lực do thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp thì tại huyện Long Điền lại diễn ra một nghịch lý: một số trường MN thừa phòng học dù nhu cầu huy động HS ra lớp vẫn còn cao. Cụ thể, toàn huyện thừa tổng cộng 10 phòng học ở 4 trường MN: Bình Minh (4 phòng), Hoa Hồng (1 phòng), Sơn Ca (2 phòng), Nắng Mai (3 phòng). Bà Dương Yến Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Điền cho hay, nguyên nhân của tình trạng trên là do không còn GV để bố trí giảng dạy. Đến thời điểm này, dù huyện Long Điền đã tuyển mới 68 biên chế trống, đồng thời thực hiện cân đối biên chế để điều tiết cho các cấp học nhưng vẫn còn thiếu 20 GV ở bậc MN.
Tại TP.Vũng Tàu, tình trạng thiếu GV cũng là bài toán nan giải nhiều năm nay. Cụ thể, từ năm học 2015-2016 đến nay, hằng năm, số HS trên địa bàn thành phố đến trường tăng 4% (khoảng 2.200 em). Tương ứng, ngành giáo dục TP.Vũng Tàu cần thêm khoảng 250 GV cho mỗi năm học. Tuy nhiên, qua nhiều năm, biên chế GV của thành phố vẫn chỉ được giao 3.130 chỉ tiêu. Năm học 2018-2019, dự kiến, toàn thành phố có 36.000 HS MN, 32.000 HS TH và 20.400 HS THCS. Để đáp ứng nhu cầu dạy học, TP.Vũng Tàu đã xây dựng thêm 3 trường mới (2 trường MN và 1 trường TH). Dự kiến 3 trường mới cần 106 biên chế và 26 hợp đồng lao động nhưng đến nay, nhân sự cho các trường mới vẫn chưa được giao.
Còn TX.Phú Mỹ, năm học 2018-2019, cho dù có tuyển mới 75 nhân sự theo kế hoạch thì vẫn thiếu đến 26 GV. Nguyên nhân là do tăng dân số cơ học tại các khu công nghiệp nên số lượng HS TH tăng đột biến 8 lớp 1 và THCS tăng 6 lớp 6.
Ngay cả một địa bàn có số lượng HS ít như huyện Côn Đảo cũng rơi vào tình trạng thiếu GV. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho hay, tính theo định mức GV/lớp theo quy định hiện hành, huyện Côn Đảo thiếu 21 GV, gồm 16 GV MN và 5 GV TH, trong khi đó, chỉ còn 6 biên chế trống.
“ĐỎ MẮT” TÌM NGUỒN TUYỂN
Tại Trường TH Nguyễn Du (huyện Tân Thành), do không có GV chuyên trách nên một số GV văn hóa chưa đủ tiết được chuyển sang dạy GDTC. |
Vẫn là bài toán nhân sự, song tại các huyện như Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc, vấn đề lại là không có nguồn tuyển GV dù còn có biên chế. Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, nguyên nhân khan hiếm nguồn tuyển là do thu nhập của GV, đặc biệt là cấp học MN tương đối thấp, công việc áp lực nên người lao động không mặn mà, mà lựa chọn vào làm việc tại các khu công nghiệp, các cơ sở chế biến hải sản, khu du lịch…
Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho hay, năm học này, huyện thiếu khoảng 105 GV MN. Theo kế hoạch, huyện đang tuyển 80 chỉ tiêu GV MN nhưng qua 4 tháng thông báo, mới nhận được 34 hồ sơ. Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng nhân sự ngành giáo dục trên địa bàn huyện cho năm học mới bị chậm trễ do địa phương đã đăng ký tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển trước khi UBND tỉnh cho chủ trương xét tuyển nên huyện phải tiến hành chuyển đổi hình thức tuyển dụng.
Năm học tới đây, sau khi giao biên chế, huyện Xuyên Mộc còn trống 227 biên chế. Huyện đã tuyển được 64 người theo hình thức thi tuyển. Ngoài ra, có 149 chỉ tiêu đang tiến hành xét tuyển (trong đó, cấp MN có 94 người, TH có 48 người, THCS là 3 người). Theo bà Đinh Thị Trúc My, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, tình trạng thiếu GV căng thẳng nhất là ở cấp MN. Một số trường ở địa bàn khó khăn như MN Ánh Dương, MN Hướng Dương, lượng hồ sơ ứng tuyển vốn đã rất hạn chế, lại thêm yêu cầu ứng viên phải có chứng chỉ Anh văn, Tin học nên nguồn tuyển càng hạn hẹp. Khó khăn trong khâu tuyển dụng nên huyện sẽ không kịp thời bổ sung GV ngay vào đầu năm học mà phải chờ đến hết tháng 9 mới mong bổ sung được.
Tương tự, tại địa bàn huyện Đất Đỏ, năm học tới có 63 biên chế trống. Hiện nay, huyện đã tuyển được 52 người, còn 11 biên chế do không có nguồn tuyển nên vẫn bỏ ngỏ, trong đó phần lớn là GV MN và một số GV Âm nhạc, Mỹ thuật...
ĐI TÌM GIẢI PHÁP
Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Hải Nam (TP. Vũng Tàu). Ảnh: KHÁNH CHI |
Theo ông Nguyễn Thanh Giang để giải quyết khó khăn về nhân sự trong năm học tới, đề nghị UBND các huyện, thị, thành xây dựng phương án sắp xếp lại quy mô trường lớp theo hướng dồn lớp, tăng sĩ số HS lên 32-35 em/lớp với bậc TH, 40-45 em/lớp với bậc THCS, hạn chế tăng sĩ số ở cấp học MN; đồng thời sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn. Song song đó, cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt ở cấp MN, có chính sách khích lệ đội ngũ GV, nhân viên gắn bó với công việc. Nhưng nhiệm vụ cần kíp nhất là các địa phương phải khẩn trương tuyển dụng hết biên chế trống của năm học 2018-2019. Sau khi cân đối, sắp xếp lại quy mô trường lớp, địa phương nào còn dư biên chế thì điều tiết cho các địa phương gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân sự như TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ... Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh có cơ chế để điều động biệt phái GV trong cùng địa bàn để bảo đảm số tiết theo tiêu chuẩn, giảm được định biên GV và góp phần giải quyết tình trạng thiếu GV ở những vùng khó khăn.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 443 trường, gồm 170 trường MN, 141 trường TH, 89 trường THCS, 34 trường THPT, 9 Trung tâm GDTX. Năm học này, toàn ngành được giao 15.990 biên chế và 1.984 hợp đồng theo Nghị định 68. Ngành giáo dục hiện có 14.899 biên chế và hơn 1.500 hợp đồng 68, còn trống 1.091 biên chế. Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn ngành đã và đang tuyển mới khoảng 800 nhân sự để đáp ứng nhu cầu năm học. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân như chậm trễ trong công tác tuyển dụng, không có nguồn tuyển hoặc biên chế được giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế... nên bước vào năm học mới, nhân sự cho ngành giáo dục vẫn thiếu thốn. |